Chuyển sàn niêm yết
Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 26/4, HĐQT VietBank trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn HoSE, thay vì giao dịch trên UPCoM. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, HĐQT VietBank đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn HoSE khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi, nhưng chưa thực hiện được.
Cùng ngày, VietABank (mã VAB) tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn, niêm yết cổ phiếu, bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát cùng các vấn đề khác. Trong đó, HĐQT VietABank có tờ trình về việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành (sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận) tại sở giao dịch chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc lựa chọn niêm yết trên sàn HoSE hay HNX sẽ do HĐQT quyết định.
Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 19/4, BVBank trình cổ đông thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB tại sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HoSE. Trước đó, kế hoạch này đã được trình và thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, nhưng chưa thực hiện do bối cảnh thị trường không thuận lợi.
Theo kế hoạch, Saigonbank cũng sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu SGB trên sàn HoSE/HNX. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho hay, các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE và đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn, nhưng đây là quá trình dài và phức tạp, khó thực hiện được ngay trong năm nay.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 5/4, cổ đông ABBank đặt câu hỏi về kế hoạch niêm yết cổ phiếu ABB với lãnh đạo Ngân hàng. Khi đó, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng mong muốn đưa cổ phiếu lên sàn HoSE để huy động vốn thị trường tốt hơn, quản trị thông tin minh bạch hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng chưa niêm yết trên sàn do điều kiện chưa thuận lợi.
Hiện còn 7 ngân hàng giao dịch trên thị trường UPCoM gồm VietABank, ABBank, Kienlongbank, VietBank, PGBank, SaigonBank, BVBank. Năm 2023, 5 ngân hàng là ABBank, VietBank, Nam A Bank, BVBank, Kienlongbank công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE/HNX, nhưng chỉ có Nam A Bank thành công đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HoSE.
Tăng mạnh vốn
Ngoài việc chuyển niêm yết cổ phiếu sàn HoSE, VietBank cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (đã được Ngân hàng Nhà nước - NHNN phê duyệt), với tổng số tiền tăng thêm là 1.003 tỷ đồng. VietBank đã hoàn tất chào bán hơn 100,3 triệu cổ phiếu và đang thực hiện các thủ tục đề nghị NHNN chấp thuận sửa đổi giấy phép. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý II và III/2024.
Năm 2024, VietBank cũng dự kiến phát hành gần 144,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 25%. Tổng mệnh giá phát hành tương ứng gần 1.445 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế để lại đến ngày 31/12/2023. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2024. Nếu hoàn tất thủ tục chỉnh sửa giấy phép vốn điều lệ và phát hành thành công cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ VietBank sẽ tăng lên mức gần 7.210 tỷ đồng.
Trong khi đó, Saigonbank thông báo, ngày 24/4/2024 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, Ngân hàng dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tổng giá trị phát hành là 308 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ 2016 trở về trước, năm 2017-2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Saigonbank sẽ tăng từ 3.080 tỷ lên 3.388 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của VietABank thông qua phương án tăng vốn thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn VietABank tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
HĐQT BVBank cũng trình Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua kế hoạch tăng thêm gần 890 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên tối đa 6.408 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng và cổ phiếu thưởng ESOP.
Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu là cần thiết để mở ra cơ hội huy động thêm vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, nâng cao thanh khoản cổ phiếu cũng như thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, một khi thị trường thuận lợi, thì niêm yết mới đem lại lợi ích tốt hơn cho cổ đông.
Tác giả: Thuỳ Vinh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy