Nhiều “ông lớn” quên công bố thông tin: Dân có quyền giám sát
09/08/2016 10:58:02
Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ chối trả lời lý do không công bố thông tin theo quy định, trong khi một số lãnh đạo bộ - cơ quan chủ quản của các DN này - chỉ cho biết sẽ có văn bản nhắc nhở DN thực hiện.

Tin liên quan

Tập đoàn Dầu khí VN cũng bị xếp vào danh sách chưa công bố thông tin theo quy định, do phần lớn thông tin trên trang web của DN này là vào...năm 2014 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Dù nghị định 81/2015 đã có hiệu lực từ tháng 11-2015 và Bộ KH-ĐT cũng đã có văn bản đốc thúc, nhưng lãnh đạo nhiều DN lại bày tỏ “ngạc nhiên” về quy định phải công bố thông tin, trong khi một số DN đưa ra nhiều lý do để giải thích cho việc chưa công bố hoặc công bố thông tin chưa đầy đủ.

Do... bộ phận công nghệ thông tin?

Trả lời về việc không công bố thông tin đầy đủ, ông Phan Xuân Quế, chủ tịch hội đồng thành viên Vinafood 1, cho biết sẽ kiểm tra lại, đồng thời giải thích có thể do bộ phận công nghệ thông tin của DN chưa công bố lên website của DN kịp thời. Ông Quế cũng thừa nhận mình không mấy khi vào website của DN nên không nắm được việc này. Tuy nhiên, ông Quế cho rằng đã báo cáo kịp thời cho Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT về hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư...

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), lại bày tỏ ngạc nhiên trước quy định phải công khai thông tin, bởi chưa được phổ biến về quy định này! Theo ông Đạt, DN này chưa nhận được văn bản nào đốc thúc việc công bố thông tin và “nếu có quy định như vậy thì sẽ thực hiện”... Nhiều lãnh đạo các DN còn lại từ chối trả lời hoặc không nghe máy...

Giải thích lý do không công khai thông tin DN lên cổng thông tin điện tử theo đúng quy định, đại diện Bộ Công thương cho biết chủ yếu do DN... chưa gửi. Trong khi đó, ông Phạm Quang Hiển, vụ trưởng Vụ Quản lý DN nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), thừa nhận đa số các DNNN thuộc bộ này chưa công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo đúng quy định, đồng thời khẳng định sẽ có văn bản nhắc nhở. Tuy nhiên khi được hỏi về nguyên nhân tại sao DNNN và cả việc Bộ NN&PTNN không công bố thông tin về DNNN, ông Hiển từ chối trả lời vì đang bận họp.

Có dấu hiệu gian lận?

Ông Đặng Quyết Tiến - phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính - cho biết ngay cả thông tin tài chính, nhiều DN cũng chưa báo cáo cho bộ này một cách nghiêm túc theo quy định tại nghị định 87/2015, dù bộ này đã có công văn nhắc nhở. “Việc gửi báo cáo tài chính cho cơ quan quản lý được DN báo cáo khá đầy đủ. Nhưng việc công khai thông tin trên website của DN chưa được thực hiện đến nơi đến chốn”, ông Tiến khẳng định. Theo ông Tiến, DN nào đầu tư mà không công khai là có dấu hiệu gian lận.

Trả lời về việc DN không công bố thông tin, đặc biệt là báo cáo tài chính về việc sử dụng vốn nhà nước tại DN, ông Tiến cho rằng qua thông tin mà DN báo cáo về, Bộ Tài chính thấy có vấn đề rủi ro, có nguy cơ thất thoát vốn thì phải cảnh báo ngay, trường hợp Tổng công ty Lương thực miền Nam trong năm 2015 là một ví dụ. Sau khi bộ phát hiện có vấn đề và báo cáo, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện ngay việc giám sát tài chính chặt chẽ.

Theo ông Tiến, khi triển khai dự án đầu tư, DN thường vẽ nên bức tranh rất đẹp. Nhưng khi làm rồi thì xảy ra nhiều chuyện. Nếu DN thua lỗ cũng thể hiện ngay trong báo cáo tài chính, báo cáo về hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Nếu thấy có nguy cơ mất vốn, rủi ro, Bộ Tài chính cảnh báo ngay chứ không có chuyện DN muốn đầu tư vào đâu cũng được”, ông Tiến nói, nhưng thừa nhận rằng DN cũng cần phải công bố thông tin đầy đủ để nhà đầu tư, bạn hàng, thị trường biết, giám sát.

Trong khi đó, TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô (ĐH Kinh tế quốc dân), đặt vấn đề rằng Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng các DN không thực hiện phải chăng có vấn đề gì cần giấu? “Công khai, minh bạch thông tin là xu thế tất yếu, các DNNN buộc phải thực hiện bởi DNNN thuộc sở hữu toàn dân, hình thành lên nhờ tiền thuế của dân, nên người dân có quyền giám sát. Và chỉ có giám sát xã hội mới thực sự đầy đủ để giảm nguy cơ thất thoát, tham nhũng, móc ngoặc...”, ông Thế Anh khẳng định.

Nhiều DN không công bố thông tin

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hàng loạt “ông lớn” DNNN trực thuộc các bộ vẫn chưa tuân thủ việc công khai đầy đủ thông tin theo quy định như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (trước khi tái cơ cấu là Vinashin), Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN, Tổng công ty Cảng hàng không, Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1, Công ty Văcxin và sinh phẩm Nha Trang, Tổng công ty Thiết bị y tế...

Đặc biệt, có những DNNN chưa công khai bất cứ thông tin nào như: Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Sông Đà... Thậm chí, Tập đoàn Dầu khí cũng bị liệt vào dạng chưa công bố bất cứ thông tin gì, bởi những báo cáo tập đoàn này được gửi lên trang web của Bộ KH-ĐT là vào những năm 2013-2014.

 

Theo nghị định 81/2015, DN nào vi phạm các quy định về công bố thông tin sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp vi phạm dẫn đến cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của DN lâm vào tình trạng khó khăn và gây thất thoát vốn nhà nước..., người quản lý DN sẽ bị kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, thậm chí có thể bị kiến nghị xử lý hình sự.

Theo Tuổi trẻ 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến