Nhiều người dân phản ánh về việc nhiều trạm cân "mọc" tại địa bàn các xã Đồng Văn, Tiền Phong, Mường Nọc… của huyện miền núi Quế Phong chưa có thủ tục pháp lý. Ngoài ra, một số trạm cân còn tự ý được dựng lên trên đất lâm nghiệp.
Các trạm cân trên địa bàn huyện Quế Phong hoạt động khá lâu nhưng chưa có thủ tục pháp lý.
Xã Đồng Văn nằm ở phía Tây Bắc của huyện miền núi Quế Phong. Theo tìm hiểu, trong những năm qua, việc người dân mở rộng diện tích trồng keo khiến cho nhu cầu sử dụng trạm cân tăng lên.
Ông Hồ Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, trên địa bàn xã có 2 trạm cân. Một trạm cân dựng ở thửa đất cạnh Km126+400 trên Quốc lộ 48, thuộc bản Tục, xã Đồng Văn và trạm cân xây dựng ở Km237 trên Quốc lộ 16, thuộc bản Na Chảo, xã Đồng Văn.
Trạm cân xây dựng ở Km237 trên Quốc lộ 16, thuộc bản Na Chảo, xã Đồng Văn.
Theo ông Dũng, cả hai trạm cân này đã xây dựng khá lâu nhưng đều chưa đăng ký các thủ tục hồ sơ. Phía UBND xã Đồng Văn đã nhiều lần yêu cầu chủ trạm cân hoàn thành hồ sơ nhưng phía các trạm cân không “hợp tác”. Đặc biệt, một phần đất của trạm cân nằm ở Km126+400 là đất lâm nghiệp, chưa hề được chuyển đổi.
Thông tin từ UBND xã Tiền Phong, xã đã có 3 trạm cân được dựng lên, trong đó có 2 trạm tại ngã 3 đường đi xã Hạnh Dịch và tại bản Đan. Cả 3 trạm cân ở xã Tiền Phong cũng đã xây dựng và hoạt động khá lâu nhưng chưa hề có giấy tờ pháp lý.
Ông Sầm Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, năm 2022, phía xã đã có văn bản gửi lên UBND huyện Quế Phong nhằm đề xuất UBND huyện thành lập đoàn phối hợp kiểm tra một số cơ sở trạm cân thu mua cây keo nguyên liệu tự phát tại địa bàn xã Tiền Phong. Tại thời điểm đó, trên địa bàn xã Tiền Phong có 4 trạm cân.
Một phần trạm cân nằm ở Km126+400 thuộc xã Đồng Văn là đất lâm nghiệp, chưa hề được chuyển đổi.
Trước đó, UBND xã Tiền Phong đã kiểm tra các cơ sở trạm cân và phát hiện rất nhiều tồn tại như: xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông, hoạt động gây tiếng ồn, bụi và bùn lầy ảnh hưởng đến các hộ dân sống cạnh trạm cân.
Ngoài xã Tiền Phong và xã Đồng Văn, ở huyện miền núi Quế Phong còn có nhiều trạm cân xây dựng “chui” tại các xã Thông Thụ, Mường Nọc, Quang Phong…
Diện tích trồng keo của bà con huyện Quế Phong tăng lên dẫn đến số lượng xuất hiện các trạm cân ngày càng nhiều.
Ông Sầm Văn Hưng, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quế Phong thông tin, từ trước đến nay huyện Quế Phong cũng đã đi kiểm tra một số trạm cân trên địa bàn. Tuy nhiên, do không có đủ điều kiện nên chỉ kiểm tra các vấn đề về hành lang an toàn giao thông, còn các vấn đề khác huyện cần phối hợp với các sở, ngành mới có thể thực hiện được.
Cũng theo ông Hưng thì, phía huyện Quế Phong cần phối hợp các sở, ngành để kiểm tra đầy đủ hoạt động của các trạm cân.
Bà Nguyễn Thị Hoài, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Quế Phong thừa nhận, từ trước đến nay, huyện chưa cấp giấy đăng ký cho hộ kinh doanh nào liên quan đến trạm cân trên địa bàn.
Một trạm cân mới trên địa bàn huyện Quế Phong đang bắt đầu xây dựng
Hiện, các trạm cân trên địa bàn huyện Quế Phong hoạt động “chui” không những gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây khói bụi, ảnh hưởng môi trường sống của người dân mà còn gây thất thu cho nguồn thuế của Nhà nước.
Hồ Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy