Dòng sự kiện:
Nhìn lại các lần hãng hàng không Vietnam Airlines được 'giải cứu'
05/01/2024 08:15:34
Là hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam, Vietnam Airlines (HVN) không ít lần lâm vào cảnh khó do ảnh hưởng của đại dịch và nhiều lần hãng đã nhận được phao 'cứu sinh' để thoát hiểm.

Covid-19 khiến doanh nghiệp 'khát vốn', gói tín dụng 4.000 tỷ được bung ra

Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, sau khi đóng toàn bộ đường bay quốc tế vào ngày 23/3/2020, Vietnam Airlines không có doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không quốc tế. Tại thị trường nội địa, dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, không có bệnh nhân tử vong, nhu cầu du lịch nội địa đã bật tăng trở lại, nhưng trong tháng 6/2020, sản lượng khách nội địa của hãng chỉ đạt 84% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu chỉ bằng 46% so với cùng kỳ.

Ngay khi Covid -19 mới xuất hiện tại Trung Quốc, cùng với việc cắt giảm triệt để chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lương của người lao động, Vietnam Airlines đã sớm chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước.

Theo đó, Tổng công ty đã chủ động rà soát cắt giảm 4.346 tỷ đồng, trong đó, chi phí nhân công 1.360 tỷ đồng (chủ yếu là tiền lương). Ngoài rà soát cắt giảm chi phí, hãng cũng đã đàm phán với các nhà cung cấp và đạt được mức giảm giá là 617 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giảm giá thuê tàu bay (530 tỷ đồng).

Đối với các khoản thuê tàu bay - một trong những khoản chi phí cố định nặng nhất, tính đến giữa tháng 6/2020, tổng số tiền giãn thanh toán được 81 triệu USD, trong đó, 51 triệu USD không chịu lãi suất và 30 triệu USD chỉ phải chịu lãi với mức ưu đãi.

Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này cũng chỉ giúp Vietnam Airlines giảm bớt được một phần khó khăn. Trong đó, đáng lo ngại nhất là, nếu không nhận được khoản hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ trị giá 12.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ mất thanh khoản vào tháng 8/2020.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trong thời gian qua, ban lãnh đạo Hãng đã trao đổi với cổ đông chiến lược là All Nippon Airways về khả năng hỗ trợ vốn, nhưng đối tác này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và đã phải đi vay khẩn cấp 10 tỷ USD từ Chính phủ Nhật Bản, không thể có nguồn tham gia mua cổ phần trong trường hợp Hãng phát hành cổ phiếu tăng vốn hay hỗ trợ vốn cho Vietnam Airlines. Do đó, đương nhiên, Vietnam Airlines phải đề nghị cổ đông Nhà nước có giải pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.

Được biết, trong số 3 giải pháp hỗ trợ tài chính khẩn cấp mà Vietnam Airlines từng gửi tới chủ sở hữu Nhà nước đáng lưu ý là việc hãng đề nghị được tiếp cận khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước với thời gian vay tối thiểu là 3 năm. Khoản tín dụng này, theo Vietnam Airlines là cần được bung trong vòng 1-2 tháng tới để kéo dài sức chịu đựng cho hãng cho đến khi thị trường hàng không phục hồi về mức trước tháng 12/2019.

Để tránh nguy cơ rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, hãng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Dự kiến, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc 1 doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn trung-dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Đến tháng 11/2020, Quốc hội đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đồng thời, cơ quan này cũng cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. 

Do đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines “thoát hiểm” lần 1.

Cổ phiếu HVN thoát nguy cơ bị hủy niêm yết trong "gang tấc"

Đến nay, tình trạng kinh doanh của hãng hàng không vẫn chưa mấy khả quan khi lỗ ba năm liên tiếp (2020-2022) và âm vốn chủ sở hữu, thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc đối với toàn bộ hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN. Điều này khiến Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ rời sàn niêm yết lớn nhất Việt Nam.

Cụ thể, trên báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Vietnam Airlines lỗ thêm hơn 11.200 tỷ đồng, qua đó nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm lên trên 35.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm 11.000 tỷ đồng.  

Vừa mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) thông báo sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Thời gian đăng tải lấy ý kiến đến hết ngày 5/1.

Chi tiết đáng chú ý tại Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”. Quy định này có thể mở đường cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) duy trì niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HoSE. 

Dự thảo điều khoản trên vẫn chỉ là cánh cửa hẹp bởi hãng hàng không quốc gia còn cần phải có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước, phải được Chính phủ thông qua việc duy trì niêm yết cho trường hợp đặc biệt. 

Trước đó, trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền nói hoàn cảnh của Vietnam Airlines là "tình huống rất đặc biệt", dù đang lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. 

Hãng bay này trước dịch Covid-19 luôn thuộc nhóm doanh nghiệp đứng đầu về giá trị vốn hóa, tài chính minh bạch và khả năng sinh lời cao trên sàn niêm yết. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty trong ngành hàng không.

"Đây là tình huống khách quan, doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu và đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên HoSE", vị này nói.  

Lãnh đạo Vietnam Airlines nói thêm đang tiến hành đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, trong đó giải pháp tự thân là quan trọng nhất. Hãng phải tiến tới có lãi, khả năng thanh toán từ dòng tiền kinh doanh, có giải pháp đồng bộ tái cơ cấu để khắc phục hậu quả của Covid-19. 

 Tác giả: Anh Nhi

Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến