Dòng sự kiện:
Nhìn lại chặng đường hoạt động của ODA sau 20 năm
07/08/2015 15:09:20
ANTT.VN - Ngày 07/8/2015, tại Đà Nẵng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng vốn ODA của Việt Nam” nhằm đánh giá tác động, thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn khác trong 20 năm qua.

Tin liên quan

Toàn cảnh buổi hội thảo "Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng vốn ODA của Việt Nam"

Cũng thông qua buổi hội thảo này nhiều kiến nghị, đề xuất cũng như giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng hiệu quả vốn ODA cùng các nguồn vốn khác tại Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020 được đưa ra.

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua,  với sự thành công của Hội nghị bàn tròn về viện trợ cho Việt Nam tại Paris ngày 9-10/11/1993, đã khiến sự hợp tác giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế ngày càng trở nên chặt chẽ, khăng khít. Tính đến tháng 12/2012 đã có 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị CG thường niên) được tổ chức. Từ 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các Nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB).

Tại Việt Nam, ODA được tài trợ dưới 3 hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%. Với tổng mức đầu tư cam kết luỹ kế từ năm 1993 đến cuối năm 2014 đạt 89.5 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đã ký đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD.

Cùng với việc không ngừng tăng cường khung pháp lý và phương thức quản lý, sử dụng vốn ODA của Việt Nam liên tục được đổi mới, hoàn thiện như: Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12; Nghị định 79/2010/NĐ-CP, Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Các khâu hoạch định chủ trương đến các khâu cụ thể của quá trình quản lý, sử dụng, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, dự án ODA được quy định chặt chẽ đảm bảo hiệu quả cao nhất, hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ, các chương trình, các dự án, các địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của Việt Nam. Đây thực sự là một đòn bẩy quan trọng giúp cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh trong 20 năm trở lại đây.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ODA cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... Quan trọng hơn sự cam kết này cũng đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đạt được, việc sử dụng nguồn vốn này vẫn còn một số điểm cần phải khắc phục.

Theo ông Vương Đình Huệ - Ủy viên BCH TW Đảng, Trưởng Ban KTTW cho rằng việc huy động và sử dụng nguồn vốn này vẫn còn nhiều điểm hạn chế chủ yếu là do:

Thứ nhất, Thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệp ODA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, Trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA.

Thứ ba, Do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu

Thứ tư, Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập.

Vì vậy, nhằm khắc phục những yếu kém, trong thời gian sắp tới Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra định hướng về sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi như sau

Đối với vốn ODA không hoàn lại: Sử dụng thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo;chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đối với vốn vay ODA: Sử dụng chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội quốc gia.

Đối với vốn vay ưu đãi: Sử dụng đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao,...

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến