Trong tuần vừa qua, Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia (Bộ Y tế), Bệnh viện Nhi TW, BV Đa khoa Yên Bái, BV Đa khoa Trung ương Huế…. đều thông tin đã mua sắm, đấu thầu thành công nhiều gói thầu thuốc, vật tư y tế năm 2023, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Vậy các đơn vị này đã có những kinh nghiệm gì để mua sắm, đấu thầu thành công sau thời gian dài gián đoạn?
Với 5.000- 6.000 bệnh nhi đến khám mỗi ngày, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú, với số lượng bệnh nhân như vậy, nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh tại BV Nhi Trung ương rất lớn.
Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, để thực hiện việc mua sắm, đấu thầu, BV đã thành lập Hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các khoa, phòng, trung tâm. Các Hội đồng nhỏ như Hội đồng mua sắm thuốc, Hội đồng mua sắm trang thiết bị y tế; Hội đồng mua sắm vật tư – sinh phẩm xét nghiệm cũng được thành lập để chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế…
Bên cạnh đó, BV chia ra nhiều gói thầu khác nhau, riêng về trang thiết bị, vật tư chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia, từ đó lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý. Đến thời điểm này, BV đã đấu thầu, mua sắm thành công hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
"Trong thực hiện đấu thầu, mua sắm vì nhiều lý do khác nhau như không có nhà thầu tham dự, hoặc vì lý do các nhà thầu không trúng thầu, chúng tôi sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đối tượng phục vụ của chúng ta là bệnh nhân, coi trọng tính mạng sức khỏe người bệnhđặt lên trên hết, và chúng ta tuân thủ các quy định của pháp luận.Bên cạnh đó phải hy sinh, nỗ lực cố gắng hơn nữa, mọi người cùng nhìn về một hướng để vượt qua các khó khăn"- ông Hải nói.
Tính đến hết tháng 9/2023, BV Đa khoa tỉnh Yên Bái tiếp nhận hơn 116 nghìn lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022. Số bệnh nhân điều trị nội trú ở mức cao, đòi hỏi việc cung ứng thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phải đáp ứng được nhu cầu điều trị. Th.s BS Diêm Sơn, Phó giám đốc BV Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, nhờ công tác kiểm soát, dự báo nhu cầu thuốc điều trị cũng như tính toán được tình hình thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế hiện có, BV đã thực hiện đc 20 gói thầu vật tư y tế, hóa chất, 8 gói thầu về thuốc.
Th.s BS Diêm Sơn nói: "BV phải chủ động trong công tác đấu thầu, khi chún gtôi quản lý bằng các phần mềm của BV, chúng tôi có xem xét dự trù trong kho vật tư mình còn bao nhiêu % đã phải chuẩn bị đấu thầu rồi, 50%, 30% phải thực hiện rồi, không phải lúc nào cũng đấu thầu 100% nhu cầu, do đó cũng có lúc BV thiếu cục bộ, do đó cần có sự phối hợp BV tuyến TƯ, BV địa phương hoặc tuyến tỉnh bạn để linh hoạt giải quyết làm sao người bệnh được đảm bảo".
Trước đó, từ tháng 6/2023, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành văn bản số 1773 về trình tự mua sắm, hóa chất, sinh phẩm và vật tư y tế trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành của các ngành liên quan thuộc tỉnh nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt các gói thầu, từ đó rút ngắn thời gian chờ thẩm định để các cơ sở y tế chủ động được mua sắm, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho điều trị.
Với quy mô khám chữa bệnh lớn nhất miền Trung, mới đây, BV Đa khoa Trung ương Huế cũng thông tin đã đấu thầu thành công nhiều gói mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế… PGS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết, trong quá trình đấu thầu cũng có thể thiếu một số mặt hàng. Tuy nhiên, khi nhận thấy điều này, BV đã có những giải pháp như: lọc mặt hàng đó ra để đấu thầu lại; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh… để kịp thời, nhanh chóng có được những thuốc, hóa chất, vật tư.
Về phía Bộ Y tế, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ cho biết, đến cuối tháng 10/2023, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu đối với 106 danh mục thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2024, đã phê duyệt kết quả được 88 thuốc trúng thầu.
Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẳng định: "Chúng tôi thực hiện mua sắm thuốc generic nhóm 1 nhóm 2, còn địa phương và cơ sở y tế mua nhóm 3, 4 và nhóm 5, cơ sở y tế mua sắm theo danh mục và phải chủ động việc mua sắm đó để đáp ứng nhu cầu điều trị. Chúng tôi khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu thuốc khi gói thầu giai đoạn 2023-2024 kết thúc thì sẽ có thuốc gối vào giai đoạn đó".
Theo quy định, việc tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế được tổ chức ở cả 3 cấp: Ở cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16-18% số lượng thuốc toàn quốc, còn lại là cấp địa phương và các cơ sở y tế chịu trách nhiệm trong mua sắm, đấu thầu. Theo báo cáo của 1.076 cơ sở y tế trên toàn quốc trong tháng 10, có hơn 67% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng đủ cho hoạt động khám, chữa bệnh. Gần 39% đơn vị còn tình trạng thiếu cục bộ. Như vậy, tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Tác giả: Thúy Ngà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy