Dòng sự kiện:
NHNN đánh giá cao những hỗ trợ, hợp tác của WB đối với Việt Nam
30/01/2018 07:03:56
Ngày 29/1/2018, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tham dự buổi làm việc, về phía WB có bà Mastura Binti Abdul Karim, Giám đốc Điều hành phụ khuyết và bà Đoàn Hoài Anh, Cố vấn cấp cao của Văn phòng Nhóm SEA; về phía NHNN Việt Nam có đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và Vụ Hợp tác quốc tế.

Thay mặt Ban lãnh đạo NHNN Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chúc mừng Bà Mastura Binti Abdul Karim nhân chuyến công tác chính thức đầu tiên sang Việt Nam trên cương vị là Giám đốc Điều hành phụ khuyết của WB.

Bà Mastura Binti Abdul Karim được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành phụ khuyết Nhóm SEA từ tháng 7/2017, phụ trách các nước Brunei, Fiji, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Singapore, Thái Lan, Tonga và Việt Nam. Trước đó, bà Karim đã có thời gian công tác tại Bộ Tài chính Malaysia. Ngoài ra, bà từng là Trợ lý Giám đốc phụ trách Phòng kế hoạch kinh tế thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Malaysia.

Giám đốc Điều hành phụ khuyết Nhóm SEA của WB cảm ơn Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian đón tiếp Đoàn. Bà Karim nhấn mạnh, chuyến công tác của Đoàn tại Việt Nam từ ngày 29-30/1/2018 là một phần trong kế hoạch làm việc với 11 nước thành viên trong Nhóm SEA.

Sau Việt Nam, Đoàn công tác của WB sẽ tiếp tục có cuộc làm việc tại Myanmar và Malaysia. Mục đích của chuyến công tác là nhằm tăng cường phối hợp hợp tác với Chính phủ các nước thành viên trong Nhóm.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bà Karim đã trao đổi tóm tắt với Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về một số hoạt động gần đây của WB và đặc biệt, những nội dung chính sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp Hội nghị Mùa xuân sắp tới về vấn đề tăng vốn cũng như rà soát lại vốn cổ phần của các nước thành viên.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cảm ơn những chia sẻ của Bà Karim về những định hướng và mục tiêu của WB trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bên.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: NHNN luôn đánh giá cao về những hỗ trợ, hợp tác của WB đối với Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và cũng đủ điều kiện tốt nghiệp nguồn viện trợ không hoàn lại, khoản vay ưu đãi (IDA), song WB đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam được hưởng cơ chế chuyển đổi trong 3 năm và được hoãn trả nợ nhanh tối thiểu đến 30/6/2019.

Được biết, Ban Giám đốc Điều hành WB sẽ xem xét lại cơ chế hỗ trợ chuyển đổi IDA của Việt Nam tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ IDA 18 vào cuối năm 2018, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giãn nợ nhanh để đảm bảo Việt Nam bảo vệ bền vững các thành quả kinh tế vừa đạt được và có đủ thời gian để chuẩn bị ngân sách thêm cho việc trả nợ nhanh.

Về phần mình, Việt Nam đã hoàn thành việc tiếp nhận được toàn bộ số vốn vay ưu đãi IDA mà WB dành cho Việt Nam trong kỳ IDA 17. Cụ thể, đã đàm phán toàn bộ các chương trình/ dự án vay vốn ưu đãi của IDA trị giá gần 3,8 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2017, Chính phủ đã hoàn thành đàm phán toàn bộ 12 chương trình, dự án trong đó 8 chương trình, dự án đã được ký kết, 4 chương trình, dự án còn lại đang được tích cực triển khai các thủ tục cho việc ký kết Hiệp định.

Tuy nhiên, do trần nợ công của Việt Nam đã tiệm cận ngưỡng cho phép của Quốc hội (65% GDP), vì vậy các cơ quan liên quan đang rà soát tất cả các chương trình, dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án nhằm giải quyết vướng mắc trong việc ký các Hiệp định của 4 chương trình, dự án còn lại của tài khóa 2017. Nội dung này đã được NHNN báo cáo Chính phủ để chỉ đạo.

Ngoài ra, để hỗ trợ tối đa cho Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn vốn WB trong bối cảnh đã tốt nghiệp IDA, Việt Nam đề nghị WB:

(i) tăng cường hỗ trợ về mặt tư vấn chính sách, đặc biệt là mô hình kinh nghiệm phát triển quốc gia nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các khuyến nghị trong Báo cáo Việt Nam 2035;

(ii) huy động tối đa nguồn viện trợ không hoàn lại từ các đối tác khác nhằm tăng số lượng dự án hỗ trợ kỹ thuật độc lập cho Việt Nam;

(iii) cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, các khoản viện trợ không hoàn lại đi kèm với các khoản vay IBRD nhằm làm tăng thành tố ưu đãi, giảm chi phí vay vốn đối với các khoản vay WB để hỗ trợ cho các lĩnh vực không tạo ra nguồn thu (như các dự án giảm nghèo, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp,…) và các địa phương chưa có khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay theo điều kiện thị trường IBRD;

(iv) tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ mới cho Việt Nam, đặc biệt các nguồn vốn vay không cần bảo lãnh của Chính phủ (ví dụ các khoản đồng tài trợ với AIIB).

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam hoan nghênh việc WB tiếp tục giới thiệu các sản phẩm tài chính mới, tạo điều kiện trong thời gian tới Việt Nam được phối hợp tham gia với WB trong việc xây dựng các sản phẩm mới, nhằm đảm bảo sản phẩm phù hợp với hoàn cảnh điều kiện, ưu tiên của Việt Nam như các sản phẩm về tăng cường năng lực huy động tài chính cho các chính quyền địa phương nhằm hướng tới mục tiêu tự chủ về nguồn đầu tư và tự vay, tự trả… hoặc tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng trong thành phần kinh tế.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến