NHNN điều chỉnh tỷ giá: 5 tháng, hết “quota”, tại sao?
07/05/2015 12:40:03
ANTT.VN - Sau nhiều đồn đoán và cả sức ép, sáng ngày hôm nay (7/5/2015), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng thêm 1%. Điều gì đã khiến NHNN phải dùng nốt “một nửa lời hứa còn lại” của Thống đốc Bình sớm đến vậy?

Tin liên quan

Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 07/5/2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD. Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD.

Như vậy, trong khi năm tài chính 2015 mới đi chưa được một nửa chặng đường, NHNN đã phải 2 lần thực hiện điều chỉnh tỷ giá, trước đó, ngày 7/1/2015 tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng cũng đã được điều chỉnh tăng 1%.

Thống đốc Bình: Tỷ giá 2015 tăng không quá 2%” 

Tỷ giá 2015 tăng không quá 2%” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã “hứa” như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 tổ chức sáng 24/12/2014. Tuy nhiên, với quyết định vừa rồi, có nghĩa “quota cam kết” đã được dùng hết. Trong khi năm tài chính 2015 mới chỉ đi qua 5 tháng và với quy luật “sôi động về cuối” thì rõ ràng là khác với nhiều năm trước đây, vấn đề bảo toàn lời hứa của người đứng đầu NHNN đã thực sự lung lay.

Theo phân tích của một nhóm nghiên cứu thì lần điều chỉnh này vẫn “chưa phải là lần điều chỉnh cuối cùng trong năm 2015” và “mức mất giá của VND rất có thể sẽ rơi vào khoảng 3% trong năm nay”.

Vấn đề đặt ra là điều gì đã khiến NHNN phải dùng nốt “một nửa lời hứa còn lại” của người lãnh đạo sớm đến vậy?

Trước tiên, về diễn biến, có thể thấy, ngay khi trở lại giao dịch sau nghỉ lễ, sức nóng của thị trường ngoại hối và tỷ giá đã liên tục tăng nhiệt. Tỷ giá USD/VND đã nhanh chóng kịch trần tại nhiều NHTM như Eximbank, ACB… và gần như kịch trần tại các ngân hàng còn lại.

Không khó để lý giải cho hiện tượng này, về cả ngoại cảnh và nội cảnh.

Thứ nhất, sức ép đến từ thị trường quốc tế: Đồng bạc xanh USD nối đà leo giá mạnh so với hàng loạt các đồng tiền chủ chốt khác (đo lường bằng chỉ số ICE) khi kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu hồi phục tích cực và  Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhiều khả năng sẽ vẫn đưa ra quyết định tăng lãi suất trong năm, dù không vội vã. Thêm vào đó, nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới cũng tăng cường và đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế, đặc biệt là EU, Trung Quốc và Nhật Bản.

Thứ hai, những áp lực lớn thêm từ nội địa: Số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nền kinh tế Việt Nam đã nhập siêu tới 3 tỷ USD, bằng 6% kim nghạch xuất khẩu. Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã gia tăng đáng kể (188,8%), cho thấy một phần giá trị nhập siêu không đóng góp cho cải thiện năng lực sản xuất mà chỉ phục vụ cho tiêu dùng. Bên cạnh đó là hiện tượng chuyển đổi hoặc tăng cường trạng thái ngoại tệ nhằm phòng ngừa rủi ro giá cả cũng như tâm lý đầu cơ USD ở một số ngân hàng.

Ngoài ra, diễn biến tỷ giá cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ một số động thái bất lợi của cơ quan điều hành”, một chuyên gia phân tích chứng khoán kỳ cựu tại VCBS chia sẻ.

Theo đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã yêu cầu: “NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn tài chính tiền tệ quốc gia”.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, điều này phát đi tín hiệu cho thấy Chính phủ đang tìm biện pháp để cân đối thu chi ngân sách trong bối cảnh nguồn thu ngân sách chịu ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm và việc phát hành trái phiếu bằng VND không thực sự thuận lợi.

Với chính sách tỷ giá mà NHNN đang theo đuổi thì mục đích chính và trên hết của dự trữ ngoại hối là để đảm bảo sự ổn định của thị trường và an toàn tài chính tiền tệ quốc gia, trong đó có việc duy trì thanh khoản, điều tiết và cân đối cung cầu ngoại tệ trong trường hợp cần thiết.

Theo vị chuyên gia này: “Với việc dự trữ ngoại hối rơi vào khoảng từ 35 – 38 tỷ USD, tương ứng với mức yêu cầu tối thiểu 12 – 14 tuần nhập khẩu, theo IMF, như hiện nay của Việt Nam thì mặc dù đã là cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây nhưng có lẽ mức dự trữ ngoại hối này vẫn không đủ để dư thừa cho những mục đích khác. Thêm vào đó, bất cứ khoản vay nào cũng tiềm ẩn rủi ro, liệu những khoản nay từ dự trữ ngoại hối, nếu được sử dụng, có đảm bảo hiệu quả, từ đó tăng cường năng lực trả nợ và tạo thêm được nguồn thu ngoại tệ hay không?”.

Mặc dù chưa chính thức thông qua nhưng thông điệp kể trên của Chính phủ cũng gây những tác động không tích cực đến tâm lý thị trường và tạo sức ép nhất định lên tỷ giá”, ông kết luận.

Bên cạnh đó, thông tin Vietcombank – nhà băng được đánh giá là có lượng dự trữ ngoại hối dồi dào nhất thị trường, đầu tư 1 tỷ USD Trái phiếu Chính phủ càng “bồi” thêm những tác động không tích cực cho thị trường ngoại hối.

Chưa xét đến mục đích sử dụng, việc Chính phủ huy động một lượng USD lớn từ một tổ chức trong nước sẽ kéo theo những lo ngại cho nguồn cung USD trên thị trường, đồng thời, vấn đề hiệu quả sử dụng đồng vốn cũng lại là một câu hỏi lớn và cũ. Tất nhiên, những điều này không có lợi cho việc ổn định tỷ giá.

Tóm lại, trước các sức ép từ nhiều phía và bức thiết, việc NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá gần như là một hệ quả bắt buộc và rất có khả năng: đó vẫn chưa phải là lần cuối (trong năm)…

"Cần có chính sách tỷ giá linh hoạt hơn"

Trao đổi với phóng viên ANTT.VN về diễn biến tỷ giá trong thời gian gần đây, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng trong những năm tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có độ dãn linh hoạt hơn về chính sách tỷ giá và không nên đề ra biên độ “cứng” như những năm qua.

Từ năm sau, chúng ta cần có một chế độ linh hoạt hơn về tỷ giá để đảm bảo sức cạnh tranh của Việt Nam, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo 2 nguyên tắc: Không quá khó dự tính cho doanh nghiệp (như năm nay là 2%); Giữ đồng Việt luôn có lợi hơn giữ đồng USD”, TS. Thành khuyến nghị.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến