Dòng sự kiện:
NHNN: Sẽ từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh
10/06/2024 13:33:10
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP và nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.

Ngày 9/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24). Cuộc họp có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu.

Các chuyên gia đánh giá cao phương án mới của NHNN bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 04 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân. Dù vậy, các ý kiến vẫn cho rằng, về dài hạn, cần sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp với tình hình hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.

TS.Trương Văn Phước cũng cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào. Bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác.

“Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đánh giá vàng sức hấp dẫn còn rất lớn; nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đôla hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian.

Phó Thống đốc cho hay, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tổng hợp ý kiến tham vấn, tham mưu Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 24, cân nhắc điều chỉnh cần thiết phương pháp trong thời gian tới khi chờ sửa Nghị định 24. Mục tiêu xuyên suốt của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để người dân chuyển vàng vào sản xuất - kinh doanh.

Mục tiêu xuyên suốt Nghị định 24 là ổn định vĩ mô, không ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ; không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Cách thức điều hành của NHNN cũng phải rà soát rất kỹ. Thống đốc cũng đồng tình quan điểm nên sửa Nghị định 24 trong thời gian tới.

Tác giả: T.L 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến