Dòng sự kiện:
Nhóm cổ phiếu họ FLC đồng loạt tăng trần
04/04/2022 13:41:55
Tân Chủ tịch FLC từng gửi văn bản đề nghị kiểm tra bất thường trong giao dịch cổ phiếu FLc phiên 1/4 do lo ngại bị thâu tóm sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Nối tiếp xu hướng tích cực từ phiên cuối tuần 1/4, thị trường chứng khoán mở cửa ngày 4/4 khá tích cực khi các chỉ số nhanh chóng lấy được sắc xanh, các chỉ số đều ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Có thời điểm VN-Index tăng gần 15 điểm, phá vỡ đỉnh thiết lập cách đây 3 tháng để xác lập mốc mới 1.530,47 điểm. Tuy nhiên, sau đó lại điều chỉnh, kết phiên sáng 4/4 đạt 1.526,9 điểm, tương ứng tăng 10,4 điểm so với tham chiếu.

Đáng chú nhất trong phiên sáng 4/4 là sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu liên quan FLC. Bên cạnh sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn, chính các cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái FLC Group của ông Trịnh Văn Quyết là điểm nhấn cho phiên sáng khi đồng loạt tím trần khi vừa mở cửa.

Toàn bộ 6 mã FLC, ROS, ART, KLF, AMD và HAI đều tăng kịch trần với tổng lượng dư mua lên đến hàng chục triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu họ FLC đồng loạt tăng trần phiên đầu tuần ngày 4/4, bất chấp thông tin bị thâu tóm. (Ảnh: SSI)

Thực tế, xu hướng tích cực cuối tuần trước (1/4) và dòng tiền tìm về cổ phiếu vốn hóa lớn đang giúp cho triển vọng tăng điểm của chỉ số vẫn có, VN-Index thậm chí được nhiều công ty chứng khoán dự báo về đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, khó ai có thể ngờ điều này lại xảy ra ngay trong phiên sáng đầu tuần.

Kết phiên 1/4, FLC giao dịch với thanh khoản đột biến lên tới hơn 100 triệu cổ phiếu được sang tay, tương đương 14% vốn điều lệ. Mã này từ trạng thái "trắng bảng bên mua" vào đầu giờ sáng đã vọt lên trong phiên chiều, có thời điểm vượt tham chiếu, trước khi khép phiên ở mức 10.850 đồng, giảm 1,36%.

Mã ROS cũng là một mã ấn tượng khi khớp lệnh đến 88,4 triệu đơn vị, tuy nhiên cũng giảm về dưới tham chiếu trước khi kết phiên. 4 mã còn lại tăng kịch trần.

Ngay khi kết thúc phiên giao dịch bất thường, ông Đặt Tất Thắng - người mới đây được bầu làm tân Chủ tịch FLC thậm chí đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan xem xét làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch, có các biện pháp nhằm ổn định, hạn chế tối đa thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư.

FLC còn đề nghị Ủy ban chứng khoán và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019, gồm tạm ngừng, đình chỉ giao dịch với mã FLC, kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên 1/4 và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch nếu phát hiện có vi phạm.

Đứng trước việc Tập đoàn FLC bày tỏ lo lắng sau khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu này sáng nay lại đồng loạt tăng kịch trần.

Tại FLC, người sở hữu cổ phiếu lớn nhất là ông Trịnh Văn Quyết với 30,34% vốn. Ngoài ông Quyết, Công ty Cổ phần đào tạo Golf VPGA đang nắm 8,81%, Công ty Cổ phần đầu tư TM&XNK Vietexco 7,35%, Market Vectors Vietnam ETF 6,02%, Công ty Cổ phần Tài chính và quản lý tài sản Magnus Capital 5,24%... Còn lại 42,24% do các cổ đông trên thị trường giao dịch.

Đây là một mã nhiều biến động trên thị trường khi chỉ từ đầu năm đến nay đã trải qua 2 đợt sóng, song sau những phiên tăng kịch trần rồi giảm kịch sàn thường thấy, bên cạnh những công ty chứng khoán đã “thẳng tay" cắt margin, một số công ty chứng khoán vẫn chưa vội cắt margin đối với mã này.

Cụ thể, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và Chứng khoán Dầu khí (PSI) cấp margin tỉ lệ là 20% đối với cổ phiếu FLC. VNDirect và Chứng khoán Alpha cùng tỉ lệ 30%, Chứng khoán Everest là 40%, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho phép tỉ lệ margin đối với FLC là 50%.

Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng cấp margin cho FLC nhưng không nêu tỉ lệ cụ thể.

Còn lại, hầu hết các công ty chứng khoán khác như Yuanta, Chứng khoán Tiên Phong, Chứng khoán BSC… đều đã ngừng cấp margin cho mã này.

Trong văn bản phúc đáp Công văn số 339/SGDHCM-NY của Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), Tập đoàn FLC (FLC) đã giải thích lý do các văn bản công bố thông tin trong sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam không phải là Tổng giám đốc tập đoàn Bùi Hải Huyền.

Cụ thể, FLC cho biết theo yêu cầu của HoSE tại Công văn số 316 ngày 28/3 và Công văn số 326 ngày 29/3 về việc công bố thông đến vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết, tại thời điểm phát sinh sự kiện, bà Bùi Hải Huyền, Người đại diện theo pháp luật, thực hiện công bố thông tin của Tập đoàn FLC không có mặt tại trụ sở và công ty cũng không có người được ủy quyền công bố thông tin.

Vì vậy, để phúc đáp các yêu cầu của Sở Giao dịch đúng thời hạn theo quy định, bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc FLC, đã thừa ủy quyền của tổng giám đốc để ký ban hành các Công văn số 182A ngày 29/3 và Công văn số 186 ngày 31/3 liên quan sự việc ông Quyết bị khởi tố.

Đến ngày 31/3, FLC cho biết tập đoàn đã nhận được Công văn số 339 của HoSE về việc cung cấp thông tin người thực hiện công bố thông tin theo quy định, các thành viên Ban tổng giám đốc FLC đã chỉ định bà Đặng Thị Lưu Vân - Phó Tổng Giám đốc, là người chịu trách nhiệm công bố thông tin của tập đoàn kể từ ngày 1/4.


Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến