Dòng sự kiện:
Nhóm giả danh công an lừa đảo xuyên Việt lãnh án
25/05/2018 13:05:41
Ma Thiếu Quân và đồng bọn mở tài khoản ATM để giúp 1 đối tượng tên là Lâm (người Trung Quốc, chưa rõ lai lịch) nhằm mục đích lừa đảo.

Ngày 24/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt nhóm 5 bị cáo (cùng trú tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) gồm: Ma Thiếu Quân (SN 1973) 12 năm tù, Vương Quang Đằng (SN 1990) 8 năm tù, Hoàng Thị Luyến (SN 1979) 7 năm tù, Tô Văn Báo (SN 1993) 6 năm 6 tháng tù, Lộc Thị Loan (SN 1986) 6 năm tù về cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông tin trên TTXVN cho biết, các bị cáo này đã tiếp tay cho nhóm người nước ngoài chuyên giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện cho các bị hại, để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Do cần tài khoản để nhận và rút tiền ở Việt Nam, chúng lôi kéo nhóm của bị cáo Quân tham gia, sau đó chúng đã chuyển hàng tỷ đồng chiếm đoạt ra nước ngoài.

Cụ thể, khoảng tháng 5/2016, Hoàng Chấn Lâm (người Trung Quốc) liên lạc, bàn bạc với cả nhóm trên dùng chứng minh nhân dân để mở thẻ ATM ở một số ngân hàng tại TP Lạng Sơn.

Lâm thỏa thuận, sau khi làm được thẻ ATM thì cung cấp số tài khoản, họ và tên, số chứng minh nhân dân cho anh ta. Khi tiền đổ về tài khoản, Lâm sẽ thông báo đi rút chuyển cho anh ta, và mỗi người được trả công 600.000 đồng/lần.

Theo Vnexpress, trong vòng 1 tháng (tháng 6 đến tháng 7/2016), các bị cáo đã rút hơn 5 tỷ đồng và chuyển cho Lâm. Số tiền này do Lâm dùng thủ đoạn giả danh công an điều tra về nợ cước điện thoại, rửa tiền liên quan đến tài khoản mờ ám... để chiếm đoạt. 5 nạn nhân của chúng ở Lạng Sơn, Hà Nội và TP HCM.

Trong số các nạn nhân có bà Hạnh, ở Hà Nội, bị chúng lừa chuyển hơn 800 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Tô Văn Báo. Bà Hạnh khai, đầu tháng 6/2016, có người tự xưng nhân viên tổng đài báo nợ cước. Bà thắc mắc thì được "nhân viên" nối máy để nói chuyện với người tự xưng trung úy công an, phó viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Trong cuộc nói chuyện, bà Hạnh hoảng hốt vì họ thông báo bà liên quan đến một vụ án hình sự. Để chứng minh không liên quan, bà phải chuyển tiền vào tài khoản của lãnh đạo công an tên Tô Văn Báo. Cùng với lời hứa của "cán bộ công an" sẽ trả lại tiền nếu xác định không liên quan, bị hại đã rút tiền tiết kiệm nộp vào tài khoản chúng đưa và bị chiếm đoạt.

Người mất nhiều tiền nhất trong vụ án trên là chị Khanh (TP HCM), bị chiếm đoạt gần 2,4 tỷ đồng cũng với thủ đoạn trên.

Theo đó, đầu tháng 7/2016, khi nghe "đại tá" thông báo chị liên quan đến đường dây tội phạm có tổ chức và phải nộp tiền vào tài khoản chúng đưa nếu không sẽ "bắt tạm giam", chị đã rút tiền trong 10 sổ tiết kiệm chuyển cho chúng.

Tại tòa, các bị cáo thừa nhận, mỗi lần tiền đổ về tài khoản, theo thỏa thuận trước đó với Lâm đã tới ngân hàng rút ra, đổi thành nhân dân tệ, chuyển cho Lâm và nhận tiền công. Trong 1 tháng, Quân hưởng lợi 24 triệu đồng, Báo hơn 14 triệu, các bị cáo còn lại nhận từ 2 đến 10 triệu.

*Tên bị hại đã được thay đổi.

Linh Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến