Dòng sự kiện:
Nhu cầu gửi tiền ngân hàng giảm mạnh
03/10/2021 09:35:04
Các ngân hàng cho biết nhu cầu gửi tiền trong quý III đã giảm mạnh. Tuy nhiên, chỉ số này được kỳ vọng sẽ phục hồi trong quý IV nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Đây là thông tin được các tổ chức tín dụng đưa ra trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2021 do Vụ dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện. Trong đó, đối tượng của cuộc điều tra là toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tỷ lệ trả lời 92%.

Theo đại diện các tổ chức tín dụng, trong quý III vừa qua, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và đã giảm so với quý trước. Trong đó, nhu cầu gửi tiền ngân hàng đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, các nhà băng kỳ vọng nhu cầu này sẽ phục hồi trở lại trong 3 tháng cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.


Nhu cầu gửi tiền ngân hàng của người dân đã giảm mạnh trong quý III do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh.

Người dân ngày càng ít gửi tiền ngân hàng
 
Thực tế, theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 7 năm nay, tăng trưởng tiền gửi vào hệ thống các tổ chức tín dụng của dân cư chỉ là 2,97% (đạt 5,294 triệu tỷ đồng) và tăng trưởng của các tổ chức kinh tế là 4,25% so với đầu năm (đạt 5,085 triệu tỷ).

Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với 5,2% tiền gửi của dân cư và 4,44% tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng trong 7 tháng đầu năm 2020. Trong năm 2019 trước đó, tăng trưởng tiền gửi của 2 nhóm khách hàng này cũng lần lượt là 7,64% và 5,89% trong 7 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư trong 7 tháng đầu năm nay cũng là mức tăng thấp nhất trong gần một thập niên trở lại đây.

Theo đại diện các ngân hàng, huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 4,6% trong quý cuối năm nay và tăng 10,4% trong cả năm. Mức dự báo này cũng đã giảm giảm so với mức 11,9% mà các ngân hàng đưa ra tại kỳ điều tra trước.

Trong năm 2022, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng 12,6%, cũng thấp hơn mức 13,7% của kỳ điều tra trước.

Tuy nhu cầu gửi tiền của người dân và các tổ chức kinh tế giảm mạnh trong giai đoạn tháng 7-9, thanh khoản hệ thống ngân hàng giai đoạn này vẫn duy trì trạng thái tốt và dồi dào hơn quý II đối với cả tiền Đồng và ngoại tệ.

Dự báo trong quý cuối năm và cả năm 2022, thanh khoản hệ thống vẫn sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tốt, hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho vay.

Cũng trong quý III vừa qua, các nhà băng đã phải thực hiện giảm mạnh giá bình quân sản phẩm, dịch vụ (lãi suất biên và phí dịch vụ) với chỉ số cân bằng giảm từ âm 6,9% cuối quý II xuống âm 22,3%. Đây là mức giảm thấp nhất kể từ năm 2014 - thời điểm NHNN bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra xu hướng kinh doanh hàng quý.

Xu hướng này cũng được dự báo tiếp tục diễn ra trong quý IV và cả năm nay, trong đó, lãi suất biên sẽ giảm nhiều hơn mức giảm phí dịch vụ.

Tín dụng sẽ tăng 4% trong quý IV?

Với việc thanh khoản hệ thống được dự báo vẫn dồi dào trong quý cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay cũng được các ngân hàng kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong những tháng cuối năm và giảm đáng kể nếu so với cuối năm 2020.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1 điểm %/năm trong năm 2020 và giảm 0,55 điểm %/năm từ đầu năm 2021 đến nay. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay các ngân hàng đã thấp hơn 1,55 điểm %/năm so với trước dịch.

Trong quý cuối năm nay, các ngân hàng ước tính dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 4%, nâng mức tăng cả năm lên 12,3%, tương đương năm 2020 (12,13%). Tuy vậy, mức dự báo này đã thấp hơn so với kỳ vọng trước đó các ngân hàng đưa ra là 13,1% cho cả năm nay.

Về kết quả kinh doanh quý cuối năm, khác với các quý cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các ngân hàng cho biết tình hình kinh doanh trong quý III năm nay đã suy giảm so với quý trước.

Cũng chỉ có khoảng 54% tổ chức tín dụng tin rằng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn và trong quý IV và cả năm nay, trong khi trước đó có trên 70% tổ chức tín dụng đưa ra dự báo này.

Theo Vụ dự báo, thống kê, lần đầu tiên kể từ khi NHNN thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ năm 2014), hệ thống ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) có chiều hướng suy giảm so với quý trước.

Trong quý IV năm nay, khoảng 40% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng so với quý III, trong khi gần 60% các tổ chức còn lại dự kiến kết quả kinh doanh sẽ giảm hoặc đi ngang.

Nếu tính trong cả năm nay, có khoảng 84% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương, 3% dự kiến không đổi và 13% dự báo giảm.

Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong Quý II và Quý III/2021/, các TCTD đánh giá các nhân tố khách quan ít có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn các quý trước.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến