Dòng sự kiện:
Nhựa Bình Minh (BMP) báo lãi quý I cao kỷ lục, cổ phiếu tăng kịch trần
20/04/2023 09:09:45
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) vừa công bố lợi nhuận quý I cao nhất trong lịch sử hoạt động (theo quý), đạt hơn 280 tỷ đồng tương đương gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2022.

Nhựa Bình Minh báo lãi quý I cao kỷ lục, cổ phiếu tăng kịch trần

Doanh thu thuần quý I của BMP đạt gần 1.440 tỷ đồng, tăng 6,7% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Biên lãi gộp tăng từ 23,64% (quý I/2022) lên mức 38,52% (quý I/2023). Lợi nhuận gộp đạt hơn 554 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 73,8%.

Tương tự hoạt động cốt lõi, hoạt động tài chính cũng khởi sắc với doanh thu tăng gần gấp đôi, đạt 23 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Chi phí bán hàng của BMP tăng 46% so với cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang, lần lượt đạt 160 tỷ đồng và 26,2 tỷ đồng.

Chốt quý I, BMP báo lãi sau thuế hơn 280 tỷ đồng, tương đương gấp 2,2 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất (theo quý) mà BMP từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của BMP đạt hơn 3.430 tỷ đồng, tăng 12,6% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, công ty có hơn 2.011 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm 58,6% tổng tài sản.

Năm 2023, BMP lên kế hoạch doanh thu đạt 6.357 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 651 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và giảm 6% so với mức thực hiện năm 2022. Như vậy, sau quý đầu năm, BMP đã hoàn thành 23% mục tiêu doanh thu và 43% mục tiêu về lợi nhuận.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mức giá hạt nhựa PVC hiện tại thấp hơn lần lượt 42,5% và 31,5% so với giá trung bình trong nửa đầu năm 2022 và cả năm 2022, báo hiệu triển vọng mở rộng biên lợi nhuận của BMP, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023, khi giá nguyên liệu đầu vào đang giảm nhanh hơn giá bán.

Ngay từ quý I, biên lợi nhuận gộp của công ty đã cải thiện đáng kể thêm 14,88 điểm phần trăm. Giá vốn giảm cũng là nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong 3 tháng đầu năm.

Theo BVSC, dù giá PVC điều chỉnh mạnh, BMP vẫn duy trì giá bán ở mức cố định khi giá bán thường do các doanh nghiệp lớn trong nước quyết định. Một số đợt tăng chiết khấu ngắn hạn có thể được các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa áp dụng linh hoạt để hạn chế tình trạng nhu cầu suy giảm.

BVSC hiện dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của BMP giảm 4,9% xuống 660,3 tỷ đồng (khá sát với mục tiêu của doanh nghiệp là 651 tỷ đồng, giảm 6,5%), doanh thu thuần dự báo đạt 5.683 tỷ đồng (giảm 2,1%). Cho 2024, BVSC kỳ vọng doanh thu thuần của BMP tăng 5,9%, đạt 6.020 tỷ (sản lượng tăng trưởng 7%) và lợi nhuận ròng tăng 6,8% lên 705,5 tỷ.

BVSC đưa ra dự báo lợi nhuận ròng năm 2025 của BMP tăng 5,6% lên 745,2 tỷ đồng, với dự báo doanh thu thuần là 6.322 tỷ đồng (tăng 5%). Theo BVSC, BMP vẫn duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra của ngành, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn. Đây là động lực gia tăng sản lượng, chưa kể tới các khoản đầu tư công lớn hơn từ Chính phủ.

Trong khi đó, năng lực quyết định giá bán đảm bảo triển vọng biên lợi nhuận của BMP, bên cạnh lợi thế kinh tế gia tăng theo quy mô (hiệu suất sử dụng cao hơn).

Trong phiên 19/4, khi BMP công bố kết quả kinh doanh quý I với mức lợi nhuận cao kỷ lục, cổ phiếu BMP đã tăng kịch trần lên mức giá 66.500 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường ước tính hơn 5.400 tỷ đồng.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến