Dòng sự kiện:
Những bi hài nghề chụp ảnh kỷ yếu
05/11/2017 20:07:53
Nhiều năm gần đây, chụp ảnh kỷ yếu trở thành một nghề rất hot. Thế nhưng đằng sau mức thu nhập khủng mấy chục triệu/tháng là hàng tấn chuyện bi hài mà không phải ai cũng biết.

Chẳng biết tự bao giờ, ngoài xuân, hạ, thu, đông xuất hiện thêm một mùa nữa là mùa kỷ yếu. Nhiều năm gần đây, chụp ảnh kỷ yếu đã trở thành “mốt” của học sinh tiểu học đến sinh viên đại học. Và chụp ảnh kỷ yếu trở thành một nghề rất hot với mức thu nhập khủng mấy chục triệu/tháng. Thế nhưng đằng sau đó là hàng tấn chuyện bi hài mà không phải ai cũng biết.

Vào mùa cao điểm (khoảng tháng 10, 11, 12), các thợ chụp ảnh kỷ yếu căng mình "chạy sô". Theo chia sẻ của bạn Lê Xuân Quý, sinh viên Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, nhóm anh chụp kỷ yếu trung bình cho 4-5 lớp/ tuần, còn đỉnh điểm là kín tuần. Thường các lớp phải đăng ký trước để xếp lịch. “Lúc đầu, mình chụp độc lập nhưng sau do công việc quá tải nên mình rủ thêm một vài bạn lập thành một nhóm”, Quý tâm sự.

Nghề chụp ảnh kỷ yếu thu nhập khủng nhưng cũng nhiều chuyện dở khóc dở cười

Quý chia sẻ thêm, nhiều hôm anh chụp đến tận 3 giờ chiều mới tranh thủ ăn tạm cái bánh mỳ, hay tối chụp đến hơn 11 giờ mới xong việc. Về đến nhà, chân tay như đi mượn nhưng nào đâu được ngủ, anh em trong nhóm chia nhau ảnh để chỉnh sửa.

“Cứ điệp khúc ban ngày đi chụp, thức đêm chỉnh sửa ảnh, chưa xong bộ ảnh của lớp này thì bộ ảnh của lớp khác lại đang chờ. Có những khi mình mất cả ngày trời để rồi vì một lí do bất khả kháng nào đó phải làm lại từ đầu. Cảm giác đau khổ khi nhặt từng hạt bụi khỏi tấm hình gần hoàn thành hay phải liên tục kiếm thêm ổ cứng và back up dữ liệu…

Để có được những bức hình lung linh phải chỉnh sửa tỉ mỉ, mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng hôm nào cũng nhận được hai ba cuộc điện thoại giục trả ảnh, chúng tôi phải xin lỗi rồi nhẹ nhàng giải thích để khách hàng hiểu và thông cảm. Có lần tôi bị khách mắng té tát qua điện thoại là thiếu chuyên nghiệp, là lừa đảo… Lúc ấy bực tức lắm muốn ném hết vào thùng rác nhưng rồi bình tĩnh lại thấy cũng phải thôi, các bạn mong đợi ảnh từng ngày mà”, Quý cười nói.

Đồng cảm với bạn Lê Xuân Quý, anh Nguyễn Văn Huy, thợ chụp ảnh kỷ yếu chuyên nghiệp tâm sự: "“Chiều” được các bạn sinh viên trong một ngày cũng toát mồ hôi. Bạn này muốn như thế này, bạn kia muốn thế kia rồi các bạn cãi nhau ầm ĩ, mình lại phải sắm vai người hòa giải. Chụp ảnh tập thể cho những lớp có sĩ số cả trăm người thật là ác mộng. Liên tục phải gân cổ lên gào lạc cả tiếng để sắp xếp đội hình. Lúc đầu các bạn còn hào hứng nhưng càng về trưa hay xế chiều họ uể oải, mệt mỏi không hợp tác nữa. Trong khi chụp các bạn còn làm việc riêng như chụp ảnh tự sướng, chạy lung tung...”.

Chụp ảnh kỷ yếu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nắng gắt quá thì nhiều ảnh chụp bị hỏng mà mưa to thì phải hoãn. “Chủ nhật tuần trước, nhóm chúng tôi dậy sớm chuẩn bị sẵn sàng mọi thiết bị, nắm cơm mang đi ăn trưa. Thế mà vừa bước chân ra cổng thì mưa sầm sập như trút nước chúng tôi lại phải quay vào nhà. Ngồi ôm máy ảnh nhìn mưa ngoài sân mà não lòng, tìm được ngày chụp thay thế không phải đơn giản vì hai tuần tới đều kín lịch”, bạn Nguyễn Văn Nghĩa (25 tuổi, Hà Nội) kể.

Đối với nhiếp ảnh gia nói chung và thợ chụp ảnh kỷ yếu nói riêng, máy ảnh chính là người bạn thân nhất, luôn luôn được nâng niu như báu vật. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, không tránh được những việc không may.

Bạn Trần Duy Cường, một thợ ảnh nghiệp dư kể cho chúng tôi nghe về một tai nạn nghề nghiệp. Khi đang đi chụp ảnh kỷ yếu ở bãi đá sông Hồng, không may Cường trượt chân ngã, cả người cả máy rơi xuống nước, máy bị hỏng. Cường phải tức tốc chạy đi mượn đứa bạn máy ảnh ảnh khác để hoàn thành bộ ảnh kỷ yếu cho các bạn. Cường buồn bã: “Sau lần ấy, tôi phải nghỉ đến hết mùa kỷ yếu”.

Không chỉ có thế nhiều thợ ảnh thú nhận gặp không ít những khách hàng kỳ kèo, chê bai về giá cả, thậm chí là bị “bùng tiền”.

Chủ một studio có tiếng tại Hà Nội thẳng thắn cho biết: “Trước hết bên mình sẽ gửi cho khách hàng danh sách bảng giá cũng như các khuyến mãi kèm theo. Sau đó hai bên sẽ gặp mặt trực tiếp thỏa thuận các điều khoản, ký kết hợp đồng rõ ràng và đặt cọc trước một số tiền”.

Tuy vậy niềm vui lớn nhất của những người thợ chụp ảnh kỷ yếu là góp phần lưu giữ khoảnh khắc kỷ niệm đẹp đẽ một thời cho các bạn học sinh, sinh viên.

Bạn Mạnh Dũng, sinh viên Đại học Tự nhiên xúc động: “Mình rất vui khi nhiều khách hàng đăng hình lên facebook và tag mình vào cảm ơn. Nhớ nhất lần chụp ảnh kỷ yếu cho một lớp cấp 3, các em ôm nhau khóc, ký ức lại ùa về, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô. Tự nhiên muốn trở về cái thời đó”.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến