Dòng sự kiện:
Những câu hỏi cần được trả lời từ cuộc thanh tra hành chính HOSE
16/06/2021 14:44:05
Ai đang phải hy sinh quyền lợi để giữ an toàn cho hệ thống giao dịch của HOSE? Hệ thống giao dịch đang quá tải hay vì một lý do nào đó mà phiên nào cũng “đột tử” không theo quy luật nào? Ai phải chịu trách nhiệm hiệ

Những câu hỏi rất cần sớm trả lời và hy vọng sẽ được trả lời thấu đáo từ cuộc thanh tra hành chính tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) theo quyết định ngày 10/6/2021 của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.

Đó đều là những câu hỏi chính đáng khi hàng ngày, hàng giờ giao dịch, hầu hết NĐT - những đối tượng cần được bảo vệ bằng một luật chơi công khai, minh bạch và bình đẳng - gần như bị “bịt mắt” khi nhìn bảng điện hoặc bất lực khi không thể hủy/sửa lệnh để chốt lời, cắt lỗ hoặc mua thêm. Trong khi ở những góc khuất nào đó, vẫn có một bộ phận rất nhỏ NĐT “được cấp quyền làm những việc số đông không thể làm”.

Ở một góc nhìn khác, sau tất cả những câu chuyện ấy, chưa thấy tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm!?

Nhìn vào các tín hiệu điều hành thị trường, sau phiên sàn HOSE phải dừng giao dịch vì “hệ thống phát đi tín hiệu cấp cứu ngày 1/6”, ngày 2/6, trong một văn bản gửi các thành viên, HOSE yêu cầu CTCK có biện pháp giám sát, ngăn chặn kịp thời số lỗi 2G (lỗi hủy sửa lệnh sát giờ khớp lệnh) phát sinh để tránh bị ngắt kết nối giao dịch trực tuyến.

Khi thị trường trở lại “giao dịch bình thường” vào sáng 2/6, một số CTCK nhắn tin/email khuyến nghị hạn chế sửa/hủy lệnh trong giờ cao điểm, có công ty còn ghi rõ khung giờ hạn chế.

Nói là “khuyến nghị hạn chế”, nhưng hành động của CTCK là tắt luôn chức năng hủy/sửa lệnh trực tuyến và hệ lụy của nó là đẩy rủi ro cực lớn cho NĐT.

Trên thực tế, HOSE từng đề xuất áp dụng giải pháp ngắt chức năng hủy/sửa lệnh trên tất cả các kênh nhưng không được chấp thuận vì phạm luật, nên việc ra văn bản “yêu cầu các CTCK tự nguyện thực hiện” được hiểu là một cách “thị trường hóa một biện pháp hành chính”.

Đáng nói là theo thông tin của ĐTCK, trong cuộc họp ngày 4/6/2021 giữa UBCK, HOSE và 20 CTCK hàng đầu, trước số liệu dừng hủy lệnh giúp “bảo vệ hệ thống tốt hơn và tốt hơn cho thanh khoản thị trường”, UBCK chỉ đạo 20 CTCK này đồng loạt thực hiện, chỉnh sửa hệ thống không cho khách hàng trực tiếp hủy lệnh. Các CTCK còn lại nghiên cứu áp dụng chặn bằng công nghệ hoặc bằng truyền thông cho khách hàng.

Tuy nhiên, khi thông tin trên lan ra thị trường đã dấy lên một làn sóng phản đối rất quyết liệt; thậm chí, theo các chuyên gia luật, nếu định lượng được thiệt hại từ việc không thể hủy/sửa lệnh, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiện cơ quan điều hành thị trường.

Cho đến thời điểm này, theo khảo sát sơ bộ của ĐTCK, các CTCK thuộc diện phải chỉnh hệ thống ngay chỉ tắt chức năng hủy lệnh online của khách hàng, còn các môi giới vẫn hủy lệnh bình thường. Việc truyền thông cho khách hàng đương nhiên không nhắc đến vế sau này, khách hàng nào biết thì vẫn có thể yêu cầu môi giới hủy sửa lệnh, nhất là các khách hàng quan trọng, tự doanh thì hầu như không bị ảnh hưởng gì.

Khi NĐT bất bình vì không sửa/hủy được lệnh dẫn đến thiệt hại và muốn bán bằng mọi giá, các CTCK dần mở lại các kênh hủy/sửa lệnh online.

Như vậy là một giải pháp tình huống coi như phá sản vì không thể thực hiện một cách công bằng dù chỉ là tương đối và không thể giám sát để tránh lạm dụng.

Dẫu biết rằng, để giữ an toàn cho hệ thống đã quá cũ kỹ, lạc hậu, mọi giải pháp đều không hoàn hảo và đều có chủ thể bị thiệt hại dù ít hay nhiều, nhưng rõ ràng việc triển khai một giải pháp nửa vời và không thể kiểm soát như vừa qua là bài học trả bằng sự thua lỗ, bằng niềm tin của nhiều NĐT. Bài học có tên “quít làm cam chịu”!

NĐT đang chờ đợi những câu trả lời rõ ràng và ở cấp cao hơn, chờ đợi một thị trường minh bạch, công bằng, thông suốt như nó vốn phải có ở thị trường bậc cao như TTCK. Đó cũng là những nội dung sẽ được Đầu tư Chứng khoán đề cập trong mục Tiêu điểm của số báo tuần này.

Tác giả: Người quan sát

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến