Dòng sự kiện:
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2016
30/11/2016 07:49:50
ANTT.VN - Tháng 12/2016 sẽ là thời điểm nhiều chính sách mới có hiệu lực như: cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập kinh tế; tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi ...

Tin liên quan

Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập kinh tế

Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác sẽ có hiệu lực từ 20/12/2016.

Nghị định này quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác.
Ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng

Nghị định 142/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 có hiệu lực từ 1/12/2016 quy định nguyên tắc, nội dung, biện pháp, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng tại Việt Nam.

Phạt nặng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ

Nghị định 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán có hiệu lực từ 15/12/2016. Theo đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 400 - 700 triệu đồng đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4 ngạch công chức Quản lý thị trường

Theo Nghị định 148/2016/NĐ-CP ngày 04/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực từ 25/12/2016, có 4 ngạch công chức Quản lý thị trường gồm: 1- Kiểm soát viên cao cấp thị trường; 2- Kiểm soát viên chính thị trường; 3- Kiểm soát viên thị trường; 4- Kiểm soát viên trung cấp thị trường.

Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ

Theo Nghị định 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ có hiệu lực từ 15/12/2016, Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn

(Ảnh minh hoạ)

Theo Quyết định 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu lực từ ngày 20/12/2016, thôn đặc biệt khó khăn là thôn có 1 trong 2 tiêu chí sau:

1. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

2. Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và có 2 trong 3 yếu tố sau (đối với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, cần có 1 trong 3 yếu tố): Trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn chưa được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; từ 60% trở lên số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố; chưa có Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện

(Ảnh minh hoạ)

Theo Quyết định 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích có hiệu lực từ 16/12/2016, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức sau đây khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích: Gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; Nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Hỗ trợ đào tạo sơ cấp cho nhiều đối tượng lao động

Thông tư số 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có hiệu lực từ 04/12/2016. Theo đó, hỗ trợ chi phí đào tạo đối với người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn Luật tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.

Hỗ trợ người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học.

Hỗ trợ người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg; lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học.

Người thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác không thuộc các đối tượng quy định nêu trên, mức hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.

Thanh Hương 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến