Dòng sự kiện:
Những địa điểm gợi nhắc về mùa Thu cách mạng ở Hà Nội
19/08/2016 10:21:11
Hơn bảy thập kỷ từ mùa Thu cách mạng 1945, cả dân tộc đã đi qua cuộc trường chinh “sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa.” Đồng hành cùng cả nước trong hành trình nhiều đau thương, thách thức nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh ấy, Hà Nội đã được vinh danh là một thành phố vì hòa bình.

Tin liên quan

Quảng trường Cách mạng tháng Tám. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Hơn bảy thập kỷ từ mùa Thu cách mạng 1945, cả dân tộc đã đi qua cuộc trường chinh “sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa.” Đồng hành cùng cả nước trong hành trình nhiều đau thương, thách thức nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh ấy, Hà Nội đã được vinh danh là một thành phố vì hòa bình.

Cảm thức chung mỗi dịp Thu về vừa là sự hướng vọng về những giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc vừa là ước vọng về “vươn mình,” đổi thay của đất nước. Giữa phố phường tấp nập vẫn có những công trình kiến trúc như những chứng nhân của lịch sử, gợi nhắc về mùa Thu cách mạng 1945.

Di tích nhà cách mạng số 101 Trần Hưng Đạo

Đây là một di tích quan trọng trong chuỗi di tích cách mạng ở Hà Nội, thuộc phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, nhà số 101 Trần Hưng Đạo là trụ sở Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội.

Đầu tháng 8/1945, cục diện Chiến tranh Thế giới thứ hai có nhiều thay đổi. Phát xít Nhật liên tiếp thất bại; cuối cùng đã đầu hàng quân đồng minh.

Trong nước, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) thống nhất chủ trương tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.

Di tích nhà cách mạng số 101 Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Sáng 18/8/1945, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp phiên đầu tiên tại số nhà 101 đại lộ Gambetta (nay là số nhà 101 Trần Hưng Đạo). Tại cuộc họp, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội nhận thấy cần phải khẩn trương chớp thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền và đối phó với quân Nhật.

Quảng trường Cách mạng tháng Tám

Thời Pháp thuộc, quảng trường có tên gọi là quảng trường Nhà hát Lớn bởi vị trí nằm ở mặt trước Nhà hát Lớn Hà Nội.

Sáng 19/8/1945, rất đông người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã kéo về đây tạo ra cuộc mít tinh quy mô lớn. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa!

Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô đổ về Quảng trường Nhà hát Lớn dự lễ mít tinh biểu dương lực lượng và chào mừng Ủy ban Quân quản. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu, cuộc mít tinh đã nhanh chóng trở thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, qua đường Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) tỏa đi khắp các phố phường Hà Nội.

Hiện nay, Quảng trường Cách mạng tháng Tám thuộc phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là một quần thể kiến trúc mang hình thái nút không gian thành phố, xung quanh có những công trình kiến trúc độc đáo như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, khách sạn Hilton…

Quảng trường Cách mạng tháng Tám hiện nay. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Nhà khách Chính phủ

Ngày 19/8/1945, sau cuộc míttinh tại quảng trường thành phố, nhân dân Thủ đô đánh chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Lính bảo vệ phủ đã hạ vũ khí trước sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Sáng 19/8/1945, lực lượng Việt Minh và nhân dân Thủ đô đánh chiếm cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về làm việc tại đây cho đến ngày toàn quốc kháng chiến.

Trong thời gian này, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ Phủ. Sau năm 1954, Bắc Bộ Phủ được tu sửa lại và hiện nay, tòa nhà được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ (tọa lạc tại số 12 Ngô Quyền, Hà Nội).

Phần mái che ở sảnh trước vẫn được giữ nguyên như cách đây hơn bảy thập kỷ. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Quảng trường Ba Đình

Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam.

Quảng trường Ba Đình vốn là khu vực cửa Tây của thành cổ Hà Nội. Trước cách mạng tháng Tám 1945, quảng trường Ba Đình được gọi là quảng trường Tròn hay quảng trường Pugininer (tên của một linh mục người Pháp).

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập,” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng tháng Tám.

Hiện nay, quảng trường Ba Đình nằm trên đường Hùng Vương, trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quảng trường Ba Đình. (Ảnh: Doãn Đức/TTXVN)

Cột cờ Hà Nội

Đây là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ.

Cột cờ Hà Nội là một kết cấu dạng tháp được xây dựng dưới thời vua Gia Long trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long (bắt đầu xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812).

Cột cờ cao 41 mét, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Cột cờ Hà Nội được quân Pháp dùng để làm đài quan sát. Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội.

Cột cờ Hà Nội. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Chính vì vậy, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội cũng đã được in trang trọng trên đồng tiền được phát hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam./.

Theo Vietnam +
 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến