Dòng sự kiện:
Những địa phương nào yêu cầu người dân cách ly khi trở về từ vùng dịch?
04/02/2021 13:51:11
Trước nguy cơ lây lan của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đã yêu cầu người trở về từ vùng dịch phải cách ly y tế. Hải Phòng, TT-Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Nam Định là những tỉnh đầu tiên cách ly 14-21 ngày.

Theo đó, ngày 3/2, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch TP Hải Phòng đã có hướng dẫn tạm thời về biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo nội dung hướng dẫn, những người từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh... về Hải Phòng buộc phải cách ly tập trung.

Ngoài Hải Phòng, nhiều địa phương cũng ra quyết định yêu cầu cách ly tại nhà và tập trung với một số người về quê ăn Tết từ các vùng đã có ca mắc Covid-19.

Ảnh minh họa

Nam Định sẽ lập danh sách những người trở về từ các địa điểm có ca mắc Covid-19 để cách ly, quản lý theo quy định. Người đi qua hoặc trở về từ các điểm có dịch khai báo y tế, cách ly tại nhà 14 ngày.

Nếu xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, người dân được khuyến cáo đến ngay cơ sở y tế. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ truy vết, cách ly những người tiếp xúc gần hoặc có liên quan với ca nhiễm Covid-19.

Tính đến ngày 3/2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 25 ca mắc trong đó có 23 ca nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện, tỉnh đã tổ chức cách ly tập trung cho hơn 1.500 người, cách ly tại nhà và nơi lưu trú là hơn 4.900 người.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, những người sinh sống ở những địa điểm có quy mô nhỏ (xã, phường, tổ dân phố...) có dịch, khi về quê sẽ phải cách ly tập trung. Còn lại, tỉnh này chưa có quyết định về việc yêu cầu cách ly đối với toàn bộ người về từ Hà Nội, Quảng Ninh...

Hiện, Thanh Hóa tổ chức thành lập 4 chốt kiểm soát trên các tuyến: Bỉm Sơn, Thạch Thành, Nghi Sơn, Như Xuân từ ngày 3/2.

Trước đó, Sở Y tế Nghệ An có công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh yêu cầu cách ly tập trung với những người về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các địa bàn bị phong tỏa bao gồm 14 xã ở Quảng Ninh, tất cả những người về từ Hải Dương, 9 khu vực ở Hà Nội...

Người về Nghệ An từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội thì được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Người từng có mặt vào thời gian mà F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo cho cơ quan y tế địa phương và được cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định.

Tối 2/2, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh ra thông báo về quy định cách ly phòng chống dịch đối với người dân trở về tỉnh như sau cách ly tập trung 14 ngày đối với người dân có tiền sử tiếp xúc gần (F1) với người từ vùng dịch đang thực hiện giãn cách xã hội; các nơi có ca nhiễm Covid-19 từng đến; vùng bị phong tỏa như Đại học FPT tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), TP Chí Linh (Hải Dương), Sân bay quốc tế Vân Đồn, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh).

Các trường hợp này phải cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc 2m với các thành viên trong gia đình, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế đối với những trường hợp F2.

Người dân phải khai báo y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà đối với tất cả người trở về từ các nơi khác và đến cơ sở y tế cần nhất để kiểm tra nếu có các biểu hiện như ho sốt, đau họng.

Tại Thừa Thiên - Huế, từ 12h ngày 3/2 tổ chức cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân từ Quảng Ninh, Hải Dương; các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có điểm dịch và các khu vực, địa điểm do Bộ Y tế cập nhật, thông báo đến địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh yêu cầu tất cả mọi người dân đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả người Huế về địa phương) bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.

Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động đang làm việc tại Cảng hàng Không Quốc tế Phú Bài, Cảng Thuận An, Cảng Chân Mây, Ga Huế, Bến xe Phía Bắc, Bến xe Phía Nam. 

Như vậy, các hành vi không tuân thủ quy định cách ly như: Trốn khỏi khu vực cách ly, tự ý tiếp xúc với người khác khi chưa được cho phép,... sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm, người không tuân thủ các quy định cách ly sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Không tuân thủ cách ly bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.

Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Trong đó, mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được quy định như sau:

“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…”

Như vậy, nếu cá nhân không tuân thủ cách ly Covid-19 theo các quy định trên thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.

Phạt tù đến 12 năm nếu không tuân thủ cách ly

Tại Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC nêu rõ:

“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.”

Như vậy, việc không tuân thủ quy định cách ly là một trong những hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, mức phạt áp dụng cho người không tuân thủ cách ly theo quy định của Điều 240 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.

Tuy nhiên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác tại Điều 240 như:

- Phạt tù từ 05 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

- Phạt tù từ 10 - 12 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên.

Như vậy, người không tuân thủ quy định cách ly Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt tù đến 12 năm.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 240 quy định, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Khánh Vy (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến