Dòng sự kiện:
Những gói hỗ trợ an sinh lớn chưa từng có
25/12/2021 10:25:34
Năm 2021, nhiều chính sách an sinh hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người nhiễm COVID-19... đã được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện.

Ngày 1/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách để hỗ trợ 12 nhóm người lao động, người sử dụng lao động, trong đó có cả lao động tự do.

Theo Sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh, thành, đến 25/11, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết đã lên tới 28,45 nghìn tỷ, hỗ trợ tới 28,27 triệu lượt đối tượng, gồm 377.431 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 27,9 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Riêng TP.HCM đã hỗ trợ 11,2 triệu lượt đối tượng với số tiền 12,03 nghìn tỷ. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (2.640 tỷ), Hà Nội (2.055 tỷ), Đồng Nai (2.030 tỷ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.473 tỷ), Bắc Giang (706 tỷ), Long An (627 tỷ).

Tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5,39 nghìn tỷ, hỗ trợ cho 375.820 đơn vị sử dụng lao động và hơn 11.391 tỷ người lao động.

Cơ quan BHXH đã rà soát và thông báo cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với 11.238 nghìn người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền khoảng hơn 4.320 tỷ.

Ngày 24/9, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 116 với gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng tới người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo BHXH Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ.

Cơ quan BHXH các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 357.861 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 11.868.907 lao động thuộc diện được hỗ trợ.

Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.289.332 người. Có 28.038 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.201.710 lao động, gồm 11.338.951 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 862.759 người đã dừng tham gia, với số tiền hỗ trợ 28.966 tỷ. Tổng số tiền đã chi trả là 28.798 tỷ cho 12.149.585 người lao động.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 đã đi vào cuộc sống, được nhân dân ghi nhận, giúp người dân khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống.

Các chính sách không chỉ hướng tới người lao động, công nhân mà còn rất nhiều đối tượng yếu thế đã được chăm lo như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…

Ngày 28/10, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có kế hoạch chăm lo đời sống cho người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán 2022. Công đoàn dành 2.400 tỷ để hỗ trợ tết cho 8 triệu người lao động, mức tặng 300.000 đồng/suất.

Nhằm chia sẻ với người dân, các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, TP.HCM đã huy động mọi nguồn lực từ ngân sách, nguồn vận động của MTTQ, các đoàn thể cùng sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và các tỉnh, thành bạn để triển khai các gói hỗ trợ.

TP đã triển khai 3 gói hỗ trợ bằng tiền mặt từ ngân sách và hơn 2 triệu túi an sinh xã hội từ nguồn vận động của MTTQ.

Gói hỗ trợ đợt 1 triển khai tháng 7/2021, quy mô 886 tỷ cho khoảng 366.000 lao động tự do, hơn 56.000 lao động ở các doanh nghiệp bị hoãn việc, nghỉ việc không lương và khoảng 199 lao động nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hỗ trợ 5.900 hộ kinh doanh dừng hoạt động và hơn 17.000 thương nhân ở các chợ truyền thống. Theo đó, mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng) đối với lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội; người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn TP không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng.

Thương nhân tại các chợ truyền thống (chợ hạng 1) được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng; chợ hạng 2 là 210.000 đồng/tháng; chợ hạng 3 là 150.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng, bắt đầu từ tháng 7/2021.

Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động tại khu vực thực hiện Chỉ thị số 16 được hỗ trợ trực tiếp 2 triệu đồng/hộ.

Theo lãnh đạo TP.HCM, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, biện pháp giãn cách kéo dài đã phát sinh thêm nhiều người khó khăn. Do đó, TP triển khai thêm gói hỗ trợ lần 2 với kinh phí 900 tỷ, với 3 nhóm đối tượng, triển khai từ ngày 5 đến 10/8.

Gói hỗ trợ đợt 2 tập trung vào người lao động nghèo, những đối tượng chưa, không nằm trong nhóm hỗ trợ đợt 1. Mỗi người được 1,5 triệu đồng, trong đó nguồn từ ngân sách TP.HCM là 1 triệu, từ MTTQ vận động xã hội hóa là 500.000 đồng. Đã có khoảng 250.000 người được hưởng gói hỗ trợ lần này.

Đến ngày 23/9, dù đã 2 lần hỗ trợ, nhưng trước thực tế kéo dài giãn cách, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 3, mức hỗ trợ 1 triệu/người.

Gói hỗ trợ đợt 3, có 5 nhóm đối tượng với tổng số người thuộc diện được hỗ trợ là hơn 7,3 triệu người.

Theo thống kê, gói hỗ trợ đợt 3 đã phát cho hơn 6,1 triệu người thụ hưởng, hiện còn một số quận, huyện vẫn đang tiếp tục phát hỗ trợ.

Ngoài ra, từ ngày 4/8 đến nay, Trung tâm an sinh thành phố đã chuyển 2.587.095 túi an sinh đến 22 quận, huyện, TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tổng hợp chi hỗ trợ 3 đợt cho hơn 8,4 triệu người gặp khó khăn vì dịch Covid-19, với hơn 9.800 tỷ đồng. Trong đó, gói 3 đã chi trả hơn 88%.

Ban Thời sự -Thiết kế: Phạm Luyện

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến