Dòng sự kiện:
Cuộc 'di dân' khổng lồ và những câu hỏi về an sinh xã hội
08/10/2021 13:18:35
Hình ảnh người lao động vạ vật ngủ ngay lề đường trên hành trình về quê tránh dịch khiến nhiều người xót xa và đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, về quan hệ lao động và quản lý thị trường lao động hiện nay...

Sau khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam dần trở lại trạng thái bình thường mới thì trong những ngày qua, những đoàn người chở vợ con, người thân ruột thịt… đi suốt mấy ngày đêm, mệt mỏi từ các tỉnh thành phía Nam về quê đã gây ám ảnh cho không ít người.

Phải đối mặt với hiểm nguy rình rập trên đường đi, nhưng có lẽ, họ đã không còn sự lựa chọn nào khác.

TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 đã khiến họ mất việc làm, không còn thu nhập, cuộc sống khó khăn đủ bề. Số tiền họ chắt bóp bấy lâu, phải bỏ ra chi tiêu trong thời gian dài giãn cách xã hội cũng đã kiệt. Tuy dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng để hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, có lẽ phải cần thêm thời gian.

Cuộc "di dân" khổng lồ chưa từng có.

Tối 7/10, mưa lớn, nước lũ ào về chia cắt nhiều đoạn của QL14 khiến hành trình "chạy dịch" của ngàn người thêm gian nan. Rời miền Nam để tránh dịch bệnh, cả ngàn người phải vật lộn với thiên tai trên chặng đường hồi hương. Nước lũ chảy mạnh khiến xe máy di chuyển rất khó khăn. 

Theo chân cha mẹ vượt hàng nghìn km hồi hương còn có những đứa trẻ tuổi còn rất nhỏ. Chắc hẳn, ký ức này sẽ không bao giờ quên trong chúng...

Xót xa hơn cả là hình ảnh những người mẹ bế con mới sinh chưa tròn tháng tuổi trên tay, lưng đã trĩu nặng sau cả chặng đường dài ngồi trên xe máy, xung quanh chất đầy đồ đạc, là cả "gia tài" họ mang về "nơi bình yên". Cả gia đình nhỏ đều rã rời.

Nhưng thật may mắn, trên hành trình ấy, sự quan tâm, hỗ trợ đến từ chính quyền, cơ quan chức năng và hội nhóm thiện nguyện đều vô cùng trân quý. Tình người trong mưa gió luôn hiện hữu. Đây là động lực vô cùng lớn giúp hàng ngàn người dân vượt qua khó khăn.

Những em bé theo cha mẹ trên hành trình hồi hương lịch sử

ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất xót xa với cuộc sống của người lao động, thu nhập thấp, hết việc là hết tiền, họ phải ở trong những khu nhà trọ chật hẹp điều kiện thấp. Tài sản lao động sau bao năm xa quê của nhiều người tất cả cũng chỉ trên một chiếc xe máy là hết, nhiều người đến xe cũng không có để đi. Đây là những hình ảnh thực sự đáng buồn, đặt ra những vấn đề cấp thiết trong thiết kế các chính sách về lao động".

Cũng theo ông Quảng, lâu nay, các trung tâm kinh tế vẫn thu hút một lượng rất lớn lao động nhập cư đến làm việc, điều này giúp giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận người lao động, tuy nhiên, xét ở góc độ về chính sách an sinh xã hội vẫn còn nhiều bất cập.

“Một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh là chủ yếu. Thực tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp tại đây là rất lớn, như vậy, phần lớn do chính công sức của những người lao động tại các doanh nghiệp và trong đó có lao động ngoại tỉnh. Song các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ trong các khu công nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn so với nhu cầu của người lao động.

Đây là sự mất cân đối giữa đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư ngược trở lại cho nhóm đối tượng này. Cũng bởi thế nhiều lao động coi công việc tại đây chỉ mang tính tạm thời", ông Lê Đình Quảng cho biết.

Từ việc hàng ngàn lao động “tháo chạy” khỏi các thành phố lớn như hiện nay, ông Lê Đình Quảng cho rằng, cần xây dựng được một cơ sở dữ liệu về lao động thống nhất, trong đó các địa phương có lao động đi làm ở những địa phương khác, cũng như địa phương tiếp nhận lao động cần nắm rõ số liệu để có những hoạch định chính sách, không chỉ phục vụ vấn đề quản lý thị trường lao động mà còn đáp ứng chính công cuộc phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh rằng, cần phân tầng chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh. Theo đó, về phía Nhà nước cần những chính sách hỗ trợ cụ thể trong và sau khi dịch COVID-19 kết thúc.

Ở tầng thứ 2, bản thân doanh nghiệp cũng cần có chính sách thu hút lao động như tăng độ phủ vaccine để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, công bố kế hoạch sản xuất cụ thể sau dịch… Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mặt bằng tiền lương hiện nay, nếu tiếp tục duy trì mức lương thấp, rất khó để giữ chân người lao động, bên cạnh đó cần những chính sách phụ cấp khác để họ yên tâm quay lại duy trì sản xuất.

Ở tầng thứ 3, các địa phương cũng cần nhìn nhận lại vai trò của lao động nhập cư, một khi đã thu hút người lao động đến làm việc thì cần hỗ trợ, chăm lo để họ thực sự coi đây là quê hương thứ 2 của mình chứ không chỉ nghĩ đến làm vì đồng lương.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 Bảo Khánh (T/h) 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến