Eximbank đã chốt được “ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị
Dấu ấn nhiệm kỳ
Sau nửa năm làm Phó tổng giám đốc SHB, ông Đỗ Quang Vinh, con trai cả Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển đã chính thức hiện diện trong Hội đồng quản trị Ngân hàng nhiệm kỳ 2022 - 2027, sau khi Đại hội đồng cổ đông năm 2022 biểu quyết thông qua.
Trước thềm đại hội, giới thạo tin đều có chung nhận định, đây là bước tiếp theo của ông Hiển, dọn đường cho con trai cả tiến gần hơn đến vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm các vị trí đó, hoặc các chức danh tương đương ở doanh nghiệp khác. Theo đó, ông Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB phải lựa chọn vị trí Chủ tịch Ngân hàng, hoặc Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T.
HDBank cũng có câu chuyện tương tự khi bà Lê Thị Băng Tâm đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị tại HDBank và Vinamilk. SHB và HDBank là hai ngân hàng có nhiệm kỳ Hội đồng quản trị bắt đầu từ năm 2017 nên các chủ tịch được giữ vị trí đến hết nhiệm kỳ và năm 2022 là thời điểm diễn ra sự thay đổi ở vị trí nhân sự cao nhất. Được biết, bà Tâm năm nay 75 tuổi, trong nhiệm kỳ tới sẽ thôi giữ chức vụ trong Hội đồng quản trị của Vinamilk và HDBank. Giới thạo tin dự đoán, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Đặng sẽ lên nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank.
Còn tại SHB, sau Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị sẽ họp để bầu Chủ tịch mới và cái tên được đề cập là Phó chủ tịch Võ Đức Tiến. Theo quy định, những người có liên quan không được chiếm quá 1/3 thành viên Hội đồng quản trị nên ông Hiển và con trai cả cùng trong Hội đồng quản trị SHB chiếm tỷ lệ 2/7, nghĩa là ít hơn 1/3, nên vẫn đúng quy định.
Đối với ngân hàng đại chúng, việc thay đổi vị trí cao nhất sẽ có ảnh hưởng nhất định tới chiến lược, mục tiêu và định hướng phát triển, còn đối với ngân hàng “gia đình”, việc này chủ yếu là sắp xếp lại “ghế” cho đúng quy định pháp luật.
Điều 157, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về cuộc họp hội đồng quản trị như sau: chủ tịch hội đồng quản trị được bầu trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng quản trị trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc bầu cử hội đồng quản trị đó. Cuộc họp này do thành viên có số phiếu bầu cao nhất hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất triệu tập và chủ trì. Trường hợp có nhiều hơn một thành viên có số phiếu bầu hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất và ngang nhau thì các thành viên bầu theo nguyên tắc đa số để chọn 1 người trong số họ triệu tập họp hội đồng quản trị.
Trong diễn biến có liên quan, Eximbank đã chốt được “ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị sau một thời gian dài xảy ra xung đột nội bộ. Bà Lương Thị Cẩm Tú đã quay trở lại Eximbank và giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 (bà Tú từng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị vào tháng 3/2019).
Cuối tuần qua, Đại hội cổ đông năm 2022 của Sacombank đã bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2026 với 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.
5 giải pháp cho giai đoạn 2022 - 2025
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đối với những ngân hàng đại chúng thật sự, việc thay đổi vị trí cao nhất sẽ có ảnh hưởng nhất định tới chiến lược, mục tiêu và định hướng phát triển, còn đối với những ngân hàng “gia đình”, việc này chủ yếu là sắp xếp lại “ghế” cho đúng quy định pháp luật.
“Người chủ thực sự của ngân hàng ai cũng biết đó là ai nên sẽ không có biến động trong đường hướng phát triển”, vị chuyên gia nói.
Ông Hiển cho biết, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, SHB sẽ tập trung thực hiện 4 trụ cột chiến lược để phát triển, bao gồm cải cách thể chế, cơ chế; kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; lấy khách hàng làm trọng tâm; nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
“Năm 2022, SHB sẽ tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại nhằm khai thông mọi nguồn lực cho phát triển, gia tăng lợi ích tối đa cho cổ đông và khách hàng, phấn đấu đưa SHB trở thành ngân hàng hoạt động hiệu quả trên thị trường”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tại Sacombank, giai đoạn 2022 - 2026, Ngân hàng sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng còn lại thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro. Dự kiến, chậm nhất đến năm 2023, Ngân hàng sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu, qua đó hoàn thành trước thời hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt là đến năm 2025. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện việc chi trả cổ tức cho cổ đông và dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, để phát triển trong giai đoạn 2022 - 2025, các ngân hàng cần thực hiện các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, chủ động, tích cực thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023; thực hiện đề án cơ cấu lại, có phương án xử lý nợ xấu giai đoạn 2022 - 2025 trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, cùng với giải pháp nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro (bao gồm cả những rủi ro mới phát sinh trong và sau dịch bệnh Covid-19 như tệ nạn cướp ngân hàng, rủi ro lừa đảo trên nền tảng công nghệ, an ninh mạng, an toàn dữ liệu...).
Thứ hai, tiếp tục đa dạng hóa hoạt động, nguồn thu trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) có xu hướng thu hẹp. Theo đó, nỗ lực tiết giảm chi phí gắn với tiến trình chuyển đổi số, tinh giản quy trình và nâng cao năng suất lao động; tăng thu từ dịch vụ ngoài lãi bằng cách đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái số, tìm kiếm nguồn thu từ hoạt động ngân hàng số, hoạt động tư vấn, bảo hiểm; tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ hoạt động thanh toán, liên kết Mobile Money...
Thứ ba, phát triển các sản phẩm ngân hàng xanh: đẩy mạnh các gói tín dụng xanh; thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với các khoản tín dụng. Các ngân hàng cũng cần đào tạo đội ngũ nhân sự có hiểu biết về những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh... để có thể thẩm định các dự án một cách chính xác hơn, qua đó quản lý rủi ro một cách hiệu quả hơn.
Thứ tư, đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, đề xuất khung pháp lý chứng khoán hóa tài sản, đề xuất điều chỉnh giảm hệ số rủi ro với các khoản cho vay sản xuất/xuất nhập khẩu và dịch vụ tạo ra tăng trưởng và ổn định xã hội (giữ nguyên hệ số rủi ro với cho vay chứng khoán, bất động sản), hoàn thiện và ban hành cơ chế Sandbox, tham gia xây dựng Luật về xử lý nợ xấu, tích cực giảm lãi/phí hỗ trợ nền kinh tế…
Thứ năm, tích cực triển khai chiến lược chuyển đổi số; chủ trì hoặc phối hợp xây dựng hệ sinh thái số, ngân hàng mở, nhằm gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chú trọng quản lý rủi ro công nghệ thông tin, rủi ro chuyển đổi số và an ninh mạng; chuẩn hóa quy trình làm việc từ xa cho cán bộ, nhân viên trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy