Dòng sự kiện:
Những khởi sắc ở bản làng người Mông
12/02/2025 16:20:30
Nhờ được thụ hưởng nhiều chính sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia, bản làng người Mông ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã có nhiều khởi sắc, diện mạo thay đổi.

Thụ hưởng nhiều chính sách

Bản Mùa Xuân và Xía Nọi, xã Sơn Thủy, nằm sát biên giới huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), là hai bản người Mông còn nhiều khó khăn. Cách trung tâm xã chừng 15km, con đường dẫn lên bản như dải lụa quanh co ôm lấy sườn núi, càng lên cao áp suất thay đổi làm tai ù đi, nhưng cảnh sắc hùng vĩ khiến mọi mệt mỏi tan biến.

So với 5 năm trước, tuyến đường đã cải thiện đáng kể. Trước đây, chúng tôi phải băng qua rừng rậm, lần theo đường đất trơn trượt, gồ ghề; nay, 80% đã được bê tông hóa, chỉ còn 3 km cuối là đường đất gập ghềnh.

Sau hành trình dài, bản Mùa Xuân dần hiện ra trước mắt, những ngôi nhà lợp gỗ thông nằm yên bình giữa núi rừng vùng biên. Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, bản Mùa Xuân đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang đến những thay đổi tích cực, một mặt cải thiện diện mạo của bản làng, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Đường giao thông đến bản Mông đã  được kiên cố hóa

Ngồi trò chuyện bên chén trà ấm trong căn nhà gỗ đơn sơ, Bí thư kiêm Trưởng bản Sung Văn Cấu không khỏi bồi hồi khi nhớ về những năm tháng khó khăn chồng chất.

Thời ấy, bản làng nằm biệt lập giữa núi rừng, không điện, không đường, không thông tin liên lạc. Mỗi mùa mưa, con đường đất dẫn vào bản trở thành nỗi ám ảnh, trơn trượt và nguy hiểm. Ánh sáng duy nhất về đêm là từ những ngọn đèn dầu leo lét. Người dân sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, tự cung tự cấp, nhưng năng suất thấp và thiếu thốn đủ bề. Trẻ em đến trường là cả một hành trình gian nan, nhiều em phải bỏ học vì không đủ điều kiện. Những khi ốm đau, người bệnh phải nằm nhà chịu đựng hoặc gắng sức vượt đường núi để ra trung tâm xã, không ít trường hợp đã không qua khỏi.

"Có lúc tưởng chừng như cả bản sẽ mãi chìm trong đói nghèo và lạc hậu," ông Sung Văn Cấu chia sẻ, ánh mắt thoáng trầm ngâm.

Điện lưới đã được kéo lên bản, người dân được sử dụng thiết bị điện

Từ vài chục hộ dân, giờ đây bản Mùa Xuân có 124 hộ với 573 nhân khẩu. Ông Sung Văn Cấu không giấu được sự xúc động khi nhắc đến những đổi thay đáng kể mà bản Mùa Xuân đã trải qua. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách thiết thực. Những năm gần đây, nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo bản làng đổi mới.

Mở ra sự đổi thay

Năm 2021, tuyến đường từ bản Son đến bản Ché Lầu và các tuyến nội bản Mùa Xuân được hoàn thiện, cùng với ánh sáng điện lưới quốc gia về đến ba bản Mông, mang lại niềm hy vọng mới. Ông Cấu chia sẻ, dù phần lớn hộ dân còn thuộc diện nghèo và chưa có mô hình kinh tế hiệu quả, nhưng có điện, có đường đã giúp cuộc sống bớt khó khăn hơn.

Nhờ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và tập huấn kỹ thuật, nhiều hộ đã ổn định cuộc sống. Chính quyền cũng khuyến khích bà con khai hoang trồng lúa nước hai vụ, nhưng do thiếu thủy lợi và nguồn nước, hiện họ chỉ canh tác được một vụ mỗi năm.

“Giờ đây, bà con không còn sống trong cảnh u tối như trước, con trẻ được đi học gần nhà, có điện để học bài buổi tối. Mỗi lần nhìn bản làng đổi mới từng ngày, tôi lại cảm thấy tự hào và biết ơn những chính sách đã giúp chúng tôi có cơ hội vươn lên,” ông Cấ phấn khởi nói.

Điểm  trường mầm non Mùa Xuân cũng được đầu tư kiên cố

Bí thư Cấu dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Thao Văn Nhia, hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà. “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà tranh dột nát. Nay nhờ chính sách hỗ trợ, vừa qua chúng tôi được đón tết trong ngôi nhà mới,” ông Nhia xúc động chia sẻ.

Hiện nay, các điểm trường Tiểu học và điểm trường Mầm non cũng được xây dựng kiên cố tại bản Mùa Xuân, giúp trẻ em có cơ hội được học tập đầy đủ.

Cô giáo mầm non Ngân Thị Vui, người đã gắn bó nhiều năm với Mùa Xuân tâm sự: “Nơi này giờ khác xưa nhiều lắm, đã có điện lưới, có sóng điện thoại, đó là niềm vui lớn cho chúng tôi và bà con. Chỉ mong đoạn đường đất hơn 3km còn lại sớm được làm xong, để việc đi lại của bà con và giáo viên đỡ vất vả hơn”.

Ông Hà Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, cho biết, cùng với việc triển khai các chương trình, chính sách của Nhà nước đến bà con, chính quyền địa phương còn cử cán bộ đến bản hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước 2 vụ, cấp giống trồng các loại cây rừng có giá trị kinh tế cao, điển hình là rừng vầu. Nhờ được hỗ trợ giống và kỹ thuật, rừng vầu đang phát triển mạnh, dự kiến thu hoạch sau 1-2 năm, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân.

"Việc triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, thực sự đã thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của người dân, đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu, nâng cao nhận thức để bà con người Mông chủ động vươn lên thoát nghèo”, ông Thể khẳng định.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến