Dòng sự kiện:
Những lợi ích tuyệt vời từ sữa mẹ
10/08/2018 14:39:34
Các nghiên cứu đã khẳng định sữa mẹ giúp giảm nguy cơ bệnh tật, là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho bé phát triển về thể chất và trí tuệ.

Viện Dinh dưỡng quốc gia đã có khuyến cáo giúp các bà mẹ có thể tận dụng tối ưu sữa mẹ trong quá trình nuôi con nhỏ.

Sữa mẹ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng cung cấp các chất dinh dưỡng

Nhận biết “chất lượng”

Nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Sữa non là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non sánh đặc, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non chứa nhiều đạm hơn sữa trưởng thành. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.

Sau vài ngày (khoảng 3 - 4 ngày), sữa non chuyển sang sữa trưởng thành, số lượng sữa nhiều hơn làm hai bầu vú bà mẹ căng đầy. Các bà mẹ nên tận dụng tối đa nguồn dinh dưỡng đặc biệt này. Trong đó, sữa đầu bữa (được tiết ra đầu bữa bú của trẻ), có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác. Còn sữa cuối bữa (được tiết ra cuối bữa bú của trẻ) khi bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo của sữa mẹ cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn. Vì vậy điều quan trọng là cần để trẻ bú đến hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay mẹ chuyển bên sớm quá.

Nhận biết trẻ bú đủ

Đây là một trong những băn khoăn của nhiều bà mẹ. Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của trẻ bú đủ. Nếu trẻ đi tiểu ít hơn số đó trong ngày, cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc xem lại cách cho con bú có đúng hay không.

Lưu ý khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. Thời gian cho bú tùy theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no (khi no, trẻ sẽ tự rời vú mẹ). Sau khi bú xong một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.

Số lần trẻ bú không gò bó theo giờ mà tùy thuộc vào nhu cầu. Ban đêm vẫn cho trẻ bú nếu trẻ khóc đòi ăn. Những bà mẹ ít sữa nên cho trẻ bú nhiều lần để kích thích tiết sữa tốt hơn.

Bảo vệ nguồn sữa

Người mẹ ngay trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tăng cân tốt (10 - 12 kg). Tăng cân đủ cũng là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh.

Sau sinh người mẹ cần có khẩu phần ăn cao hơn mức bình thường, lưu ý thêm đạm từ thịt, cá, trứng, rau đậu, ăn thêm quả chín để có đủ vitamin.

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không nên cai sữa cho trẻ trước 12 tháng tuổi. Nên cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc có thể lâu hơn. Một ngày, nên ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Người mẹ cần uống nhiều nước (đun sôi để nguội, sữa...): từ 2 - 2,5 lít/ngày giúp lượng sữa tiết ra nhiều hơn (vì trong 100 ml sữa mẹ ước có trên 85 gr nước).

Thực phẩm cần hạn chế khi nuôi con bú: trà, nước ngọt có ga, rượu, cà phê, các loại gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi..) vì có thể làm ảnh hưởng chất lượng và hương vị của sữa mẹ. Cần nghỉ ngơi hợp lý vì lo lắng, buồn phiền, mất ngủ ảnh hưởng đến lượng sữa.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 6 tháng đầu sau sinh bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6 - 12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng; từ 1 - 2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30 - 40% nhu cầu năng lượng. Trẻ từ 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ cần được ăn bổ sung, nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng cung cấp các chất dinh dưỡng chất lượng cao.

Theo Thanh Niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến