Dòng sự kiện:
Những lọn tóc nhuốm màu thời gian
29/01/2015 14:18:54
ANTT.VN - Tại bảo tàng Công an nhân dân, bộ kỷ vật gồm 8 mẫu tóc của Bác được đánh số thứ tự từ 1-8. Các mẫu tóc này được lưu giữ ở những giai đoạn cuối đời của Bác, mẫu cuối cùng vào năm 1969.
Một trong những chiến sĩ cảnh vệ từng được vinh dự cắt tóc cho Bác Hồ năm xưa hiện còn sống. Đó là cụ Nguyễn Công Ích, hiện nghỉ hưu tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Cụ Ích tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi. Sau đó vào bộ đội, từng tham gia Trung đoàn Thủ đô, sau đó được chuyển về công tác tại Phòng quản trị Cục Cảnh vệ (Nay là Bộ Tư lệnh cảnh vệ).

cu-Nguyen-Cong-Ích

Cụ Nguyễn Công Ích  bên bàn thờ Bác Hồ

Vốn là người khéo tay, cẩn thận, nên lúc rảnh rỗi, anh em trong đơn vị thường nhờ cụ Ích cắt tóc. “Thấy tôi khéo tay nên lãnh đạo Cục cảnh vệ đề xuất chuyển đến phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ở căn nhà nhỏ 33 Trần Phú. Sau đó, đến năm 1965, khi đồng chí Trần Hạnh (nguyên là Bí thư tỉnh Trà Vinh) người từng được giao cắt tóc cho Bác Hồ được điều sang làm đội trưởng đội bảo vệ lãnh tụ thì các đồng chí tín nhiệm lại gia cho tôi làm công việc này” – cụ Ích xúc động kể lại.

Đều đặn một hoặc hơn một tháng, cụ Ích lại nhận được lệnh của các đồng chí Vũ Kỳ vào cắt tóc, sửa râu cho Bác Hồ. “Bác có thói quen cắt tóc vào đầu giờ chiều, nên cứ khoảng 1 giờ chiều là tôi đã có mặt ở nhà thờ điện trong phủ Chủ tịch (nay là nhà số 54, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch). Những lần phục vụ Bác chỉ kéo dài trong khoảng 30 - 40 phút, không kéo dài hơn vì Bác rất bận”.

Lần đầu được vào cắt tóc cho Bác Hồ, cụ đã vui đến mức cả đêm trước đó trằn trọc không ngủ được. Thế rồi, giây phút được cận kề bên vị Cha già mà cụ vô vàn kính yêu, nước mắt cứ ứa ra vì xúc động. Nhìn mái tóc của người lấm tấm nhiều sợi bạc cụ không khỏi xót xa.

“Ngay từ lúc đó, tôi đã nảy sinh ra ý nghĩ sẽ góp nhặt những sợi tóc của Người để giữ lại bên mình làm kỉ niệm. Bởi thế, mỗi khi cắt tóc cho Bác, tôi thường dùng một khăn voan mỏng quấn quanh vai để tóc không bị rơi. Cắt xong, tôi chỉ làm một động tác nhẹ nhàng là tháo chiếc khăn ra rồi vo tròn từ bên này sang bên kia để những lọn tóc đó nằm gọn phía trong. Sau đó, tôi mang về nhà, cho vào một túi nilon, lấy bút ghi lên một mảnh giấy để đánh số thứ tự rồi cất vào tủ cá nhân của mình” – cụ Ích thật lòng chia sẻ.

toc-Bac-Ho

Các mẫu tóc của Bác Hồ tại Bảo tàng công an nhân dân

Tại bảo tàng Công an nhân dân, bộ kỷ vật gồm 8 mẫu tóc  của Bác được đánh số thứ tự từ 1-8. Các mẫu tóc này được lưu giữ ở những giai đoạn cuối đời của Bác, mẫu cuối cùng vào năm 1969.

Nhìn những mẫu tóc theo thứ tự có thể cảm nhận rõ màu thời gian. Nếu như  mẫu số 1 tóc còn màu đen, mẫu số 2,3 có đa số là những sợi màu hung, xen lẫn những sợi bạc. Những mẫu tiếp theo, số sợi bạc tăng dần theo quy luật tự nhiên. Chắc chắn nhìn những di vật này người xem không khỏi xúc động bởi liên tưởng những sợi bạc kia là không biết bao đêm Người thức trắng để suy nghĩ chuyện nước nhà.

ki-vat

Bộ dụng cụ từng được dùng để cắt tóc cho Bác Hồ

Cùng với 8 mẫu tóc của Bác, Bảo tàng Công an nhân dân  còn lưu giữ bộ dụng cụ cắt tóc được các chiến sỹ cảnh vệ trong Phủ Chủ tịch sử dụng cắt tóc cho Người trước đây. Bộ dụng cụ này còn khá đầy đủ, gồm: Tông-đơ, kéo tỉa, dao cạo, lược, áo choàng, khăn, gương đến hộp đựng phấn, hộp đựng xà phòng, chổi chải tóc, chổi bôi xà phòng. Tất cả được đựng trong một chiếc vali nhỏ bằng da.

Được biết, bộ dụng cụ này có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước, phần lớn là nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây. Chiếc Tông-đơ do Đông Đức (cũ) sản xuất, lọ đựng phấn rôm có xuất xứ từ Liên Xô (cũ) … chiếc hộp dùng để đựng tất cả dụng cụ này được làm bằng nhôm có chữ Trung Quốc. Một số kỷ vật khác như chiếc gương nhỏ, áo choàng, khăn do các chiến sĩ cảnh vệ đặt làm.

Một kỷ vật cũng khiến người xem hết sức xúc động là hai chiếc khăn mặt loại nhỏ, được dệt bằng sợi bông, màu trắng. Chúng được dùng để đặt lên vai khi các chiến sĩ khi các chiến sĩ cảnh vệ cạo mặt cho Bác sau khi cắt tóc xong.

Hoàng Hà

(Theo Những kỉ vật lịch sử Công an Nhân dân)

Tin liên quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến