Dòng sự kiện:
Những lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc
13/02/2022 08:33:24
Việt Nam hiện có 779 trên tổng số 900 doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bước sang năm mới 2022, Lệnh 248 và 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc do Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) ban hành chính thức có hiệu lực, nhiều thay đổi đáng chú ý cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký hồ sơ xuất khẩu vào thị trường này. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký xuất khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp tránh khỏi những lúng túng trước các quy định mới.

Kể từ ngày 01/01/2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản là cơ quan thẩm quyền Việt Nam được GACC cấp tài khoản, mật khẩu để thực hiện đăng ký cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trên Hệ thống một cửa thương mại quốc tế của GACC (https://cifer.singlewindow.cn).

Cụ thể, đối với các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa có tên trong danh sách được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được Cục cấp tài khoản và mật khẩu mới. Các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ hướng dẫn khai báo thông tin từ Sổ tay hướng dẫn của GACC, sau đó tiến hành nhập liệu chính xác trên Bản đề nghị (bản giấy) và gửi về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Bản đề nghị cấp tài khoản truy cập hệ thống một cửa thương mại quốc tế của GACC

Dựa trên các thông tin của Bản đề nghị này, Cục sẽ gửi tài khoản khai báo và mật khẩu truy cập cho từng đơn vị qua email đã đăng ký. Các cơ sở cần thay đổi mật khẩu truy cập trong vòng 24h kể từ thời điểm nhận được thông tin truy cập.

Sau khi nhận được hồ sơ khai báo trên Hệ thống của các doanh nghiệp, Cục sẽ tiến hành thẩm tra và gửi đăng ký cho GACC.

Đối với cơ sở sản xuất thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm…ngoài bước đăng ký như trên và Chứng thư do các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng cấp, còn cần phải thực hiện trả lời đầy đủ Bảng câu hỏi (song ngữ Anh- việt) theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc. Dựa vào kết quả trả lời, phía Trung Quốc sẽ đánh giá và xem xét, cho phép bổ sung cơ sở bao gói và cơ sở nuôi cua, tôm hùm sống vào danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này.

Theo thông tin trao đổi giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Vụ giám sát kiểm dịch động, thực vật, phía Trung Quốc không yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến hộ nuôi trồng trong Bảng câu hỏi.

Ngoài ra, những cơ sở đã có tên trong danh sách bổ sung trước ngày 01/01/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận đang được Cục gửi văn bản đề nghị phía GACC làm rõ cơ chế xử lý cụ thể.

Các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản đã có tên trong Danh sách được xuất khẩu sang Trung Quốc, thông tin truy cập vào hệ thống một cửa thương mại quốc tế sẽ được Cục hoặc Chi cục Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiến hành cung cấp. Các cơ sở sử dụng tài khoản này để thực hiện khai báo đăng ký sửa đổi, cập nhật các thông tin liên quan như tên doanh nghiệp, địa chỉ, sản phẩm, mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới), người liên hệ…và đăng tải các hồ sơ, tài liệu liên quan theo yêu cầu của phía Trung Quốc.

Một vấn đề nữa được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nêu ra, các đơn vị khi chuyển địa điểm sản xuất, thay đổi người đại diện pháp luật hoặc mã số cơ sở do Cục cấp thì không thực hiện đăng ký sửa đổi thông tin mà phải đăng ký hồ sơ mới trên hệ thống CIFER. Điều này được hướng dẫn cụ thể tại điều 19, Lệnh 248 do phía Trung Quốc đưa ra.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, trong khoảng 900 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có 779 doanh nghiệp (chiếm 86,5%) đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến