Dòng sự kiện:
Những mũi tiêm vaccine AstraZeneca đầu tiên ở Hà Tĩnh: Người trong cuộc nói gì?
15/04/2021 18:20:44
Hà Tĩnh triển khai tiêm vaccine AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đây là điểm tiêm đầu tiên được triển khai và sẽ thực hiện tiêm cho 1.650 người là cán bộ tuyến đầu ngành y tế.

Theo đó, sáng 15/4, Hà Tĩnh triển khai tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên tại điểm tiêm Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đây là điểm tiêm đầu tiên được triển khai, sẽ thực hiện tiêm cho 1.650 người là cán bộ của bệnh viện và các đơn vị.

Cụ thể gồm có: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, Phòng khám Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Sở Y tế, các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Hà Tĩnh và Bệnh viện TTH Hà Tĩnh…

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị trước tiêm tại phòng tiêm

Trong buổi đầu triển khai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ thực hiện tiêm cho 46 người. Trong buổi tiêm đầu tiên, sức khỏe của những người tiêm ổn định. Tất cả người tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút và được hướng dẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong những ngày tiếp theo.

Là người đầu tiên thực hiện mũi tiêm phòng COVID-19, Ths. Hoàng Việt Hà, làm việc tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Sau khi tiêm vaccine, tôi thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường. Là cán bộ y tế tôi ý thức rõ chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc tiêm vaccine COVID-19 cho người dân".

Những mũi tiêm đầu tiên

"Bản thân cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì được ưu tiên tiêm trước và cũng mong muốn vắc xin đạt hiệu quả cao để ngành Y tế nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh do COVID-19", Ths. Hà cho biết thêm.

Còn theo Bác sĩ Nguyễn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, cùng với thực hiện 5K, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để chúng ta chủ động phòng tránh dịch bệnh do COVID-19. Ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác tiêm chủng theo các bước quy định của Bộ Y tế, với mục tiêu cao nhất là an toàn, hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc xin bao gồm:

- Phản ứng thông thường rất phổ biến (≥10% ): Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (sốt nhẹ - rất thường gặp và sốt ≥ 38oC -thường gặp), ớn lạnh.

- Một số phản ứng thông thường khác (từ 1% đến 10%): sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

- Cũng như khi sử dụng thuốc và các vắc xin khác, các trường hợp tai biến nặng như dị ứng, sốc phản vệ cũng có thể gặp, các trường hợp này cần được phát hiện sớm và xử trí tại cơ cở y tế.

*Cách theo dõi sau khi tiêm chủng:

​- Ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

- Tiếp tục theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng tại nhà sau tiêm chủng.

- Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.

- Theo dõi thân nhiệt: nếu sốt cần cặp nhiệt độ, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và kịp thời xử trí.

+ Đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nghiêm trọng: Miệng (ngứa, sưng môi và/hoặc lưỡi); Da (phát ban, sưng, tím tái), Tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, cảm giác co thắt đường ruột), Họng (ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc), Hô hấp (thở dốc, ho, thở khò khè, khó thở, cảm giác nghẹt thở), Tim mạch (mạch yếu, chóng mặt, choáng, cảm giác muốn ngã), chân tay co quắp.

+ Sau khi tiêm vắc xin mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (Thông điệp 5K).

+ Giữ phiếu xác nhận đã tiêm chủng, tải phần mềm Sổ sức khỏe điện tử và đăng ký tài khoản trên ứng dụng để theo dõi lịch sử tiêm chủng vắc xin COVID-19 và chủ động khai báo về sự cố bất lợi sau tiêm chủng.


Phương Nam
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến