Những ngày “an yên” của tỷ giá…
09/04/2016 13:15:05
ANTT.VN – So với cuối năm ngoái, tỷ giá đô la Mỹ đã ổn định ở mức thấp hơn vài trăm đồng/USD, mặc dù là tín hiệu tốt, nhưng cần cẩn trọng.

Tin liên quan

Phiên giao dịch sáng cuối tuần trên thị trường ngoại hối “bình lặng” khi tỷ giá USD/VND được hầu hết các ngân hàng kìm giữ ở mức thấp.

Cụ thể, ngân hàng Vietcombank, BIDV đều yết giá đô la Mỹ ở mức 22.250 đồng mua vào và 22.320 đồng chiều bán ra.

Thậm chí, ngân hàng Vietinbank tiếp tục điều chỉnh giảm giá 5 đồng cả hai chiều mua – bán so với sáng qua (08/04) lần lượt về mức 22.255 VND/USD – 22.325 VND/USD.

Khối ngân hàng TMCP cũng đưa ra bảng giá giao dịch đồng bạc xanh ở mặt bằng giá chung là 22.240 đồng đổi 1USD chiều mua và 22.330 đồng/USD chiều bán, áp dụng tại Eximbank, MB, SCB hay VPBank…

Đối với ngân hàng Đông Á – nhà băng luôn yết giá đô lã Mỹ mua vào thấp nhất và bán ra cao nhất toàn thị trường nhưng những phiên gần đây cũng rục rịch điều chỉnh giá giao dịch về mức 22.250 VND/USD chiều mua vào và 22.320 VND/USD chiều bán.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng đứng vững ở mức thấp, không đi theo đà giảm như hai phiên gần đây.

Tỷ giá trung tâm áp dụng tại ngày 09/04/2016 là 21.846 VND/USD – giảm 50 đồng so với ngày đầu tiên công bố (ngày 04/01 là 21.896 VND/USD). Với biên độ +-3%, mức giá sàn được áp dụng là 21.191 VND/USD và giá trần là 22.501 VND/USD.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng, sau một quý áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015.

Cùng kỳ năm ngoái, khi chưa áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, sóng tỷ giá đã nổi lên theo diễn biến của thế giới, có thời điểm tỷ giá chỉ còn cách trần do NHNN công bố chưa đến 100 đồng. Thanh khoản của thị trường tốt. Tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Tất cả các TCTD mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN ngày 31/12/2015 đã hủy giao dịch kỳ hạn để tự cân đối trên thị trường.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá được bình ổn ở mức thấp như hiện nay là con số về Dự trữ ngoại hồi của Việt Nam đã phục hồi trở lại.

Báo cáo về kinh tế vĩ mô của Việt Nam do Ngân hàng HSBC phát hành ngày 7/4 vừa qua ước lượng nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt mức 33,9 tỉ đô la Mỹ (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu) trong quý I-2016.

Mức dự trữ này đã cải thiện so với con số 28,6 tỉ đô la Mỹ hoặc 1,9 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2015. Và theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có lúc đã giảm xuống 29,9 tỉ đô la Mỹ vào tháng 11-2015.

Quy mô dự trữ ngoại hối tăng lên đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bà Natasha Ansell Tổng Giám Đốc Ngân hàng Citi Việt Nam cho biết, so sánh với các quốc gia láng giếng, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn và chính những điều hành của NHNN về lãi suất và ngoại tệ đóng góp một phần không nhỏ.

Tuy nhiên, trước tình hình trên, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định: “Thị trường ngoại hối được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng cần cẩn trọng. So với cuối năm ngoái, tỷ giá USD/VNĐ xuống thấp vài trăm đồng/USD. Dù là tín hiệu tốt, nhưng không thể chủ quan, không nên xem là thành quả trong chính sách ngoại hối, có thể là bước đầu trong ổn định thị trường ngoại hối”.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Thị trường ngoại hối được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng cần cẩn trọng"

Cùng bắt đầu từ tháng 4/2016, Thông tư 24 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định các Ngân hàng Thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ và chuyển sang mua bán Đô la Mỹ (USD) thuần túy.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, “nhóm đối tượng chính chịu tác động bởi Thông tư 24 là các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới”. Trước đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước có xuất khẩu hàng qua biên giới và có thu nhập bằng ngoại tệ nên được vay ngoại tệ.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng này chỉ vay ngoại tệ là USD rồi lại quy đổi thành nội tệ VNĐ để chi trả các chi phí sản xuất hàng hóa. Sau khi xuất khẩu, ngoại tệ thu về sẽ trả lại NHTM. Khi áp dụng Thông tư 24, thực chất Nhà nước vẫn cho vay ngoại tệ, chỉ là điều chỉnh từ 4 nhóm thành 3 nhóm được phép vay.

Những doanh nghiệp này trước đó được vay ngoại tệ với lãi suất 3% mà nay phải vay nội tệ với lãi suất 8% có thể chịu gia tăng sức ép về tài chính. Nếu chi phí sản xuất tăng lên vì phải vay nội tệ thì chắc chắn giá thành sản phẩm tăng lên. Và khi giá thành tăng, hàng xuất khẩu sẽ kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại.

Ông Hiếu cũng cho rằng, “Đây là tác động từ 2 phía bù trừ nhau. NHNN cho rằng Thông tư 24 sẽ tác động tích cực đến thị trường ngoại hối, và chính sách ngoại hối. Đứng trên góc độ kinh tế vĩ mô thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu”.

Hoa Liên

 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến