Dòng sự kiện:
Những người lấy điện thoại ở Điện máy Xanh có thể bị xử phạt thế nào
20/10/2022 10:25:12
Theo luật sư, đây là vụ việc có dấu hiệu của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Người vi phạm có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định.

Điều tra vụ mất hơn 100 chiếc điện thoại tại Điện máy Xanh, Công an TP Đà Nẵng đã tạm giữ hình sự 5 nghi phạm gồm Phạm Bảo Duy (24 tuổi), Tạ Quốc Thắng (23 tuổi), Hồ Minh Trí (19 tuổi), Hà Công Tiến Đạt (20 tuổi) và Nguyễn Bá Hoàng Quân (20 tuổi, cùng ở Đà Nẵng) để điều tra.

Theo công an, 5 thanh niên này đã lợi dụng việc xe bồn tạo sóng làm vỡ kính cường lực của siêu thị để trà trộn vào lấy trộm 38 chiếc điện thoại, tổng giá trị hơn 525 triệu đồng. Ngoài nhóm này, lực lượng chức năng đang rà soát, truy tìm những người đã lấy 71 chiếc điện thoại còn lại trong vụ việc này.

Trường hợp này, những người lấy điện thoại của Điện máy Xanh có thể đối mặt tội danh nào?

Nhóm thanh niên trộm điện thoại tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Đà Nẵng.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình), đây là những hành vi không chỉ trái đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của hành vi Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tùy thuộc giá trị tài sản bị chiếm đoạt, người thực hiện hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định.

Theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc các tình tiết định khung quy định tại Điều này sẽ bị xử lý hình sự về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Mức án đối với người vi phạm có thể lên tới 20 năm tù, tùy thuộc các tình tiết định khung tại Điều này.

Trường hợp giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng và không thuộc các tình tiết định khung theo quy định, người vi phạm có thể bị xử phạt về hành vi Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt áp dụng đối với hành vi này là 2-3 triệu đồng.

Bình luận thêm về vụ việc, luật sư Hùng cho biết các tình tiết quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự sẽ là căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự của những người vi phạm. Việc họ có trả lại điện thoại cho siêu thị hay không không phải yếu tố quyết định trách nhiệm mà chỉ là tình tiết để xem xét giảm nhẹ trong trường hợp xử lý hình sự.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cũng cho rằng đây là vụ việc có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Theo luật sư, công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai.

"Khách thể bị xâm phạm trong tội danh này là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân còn về khách quan, mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở việc người phạm tội chiếm đoạt trái phép tài sản đang được người khác quản lý. Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện đặc trưng là người phạm tội công khai và ngang nhiên chiếm đoạt tài sản. Việc công khai và ngang nhiên này xuất phát từ điều kiện thực tế người chiếm hữu tài sản không có điều kiện ngăn cản, bảo vệ tài sản của mình. Đây là cơ sở để phân biệt với tội Cướp giật tài sản và Trộm cắp tài sản tại Bộ luật Hình sự 2015", ông Giáp bình luận.

Về mức án đối với người được xác định phạm tội, ông Giáp cho rằng giá trị tài sản chiếm đoạt sẽ là căn cứ xác định tình tiết định khung. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét tình tiết "Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh" tại điểm c, khoản 3, Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015 đối với vụ việc này.

Nếu bị xác định thuộc trường hợp này, bất chấp giá trị tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu, người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt 7-15 năm tù.

Tác giả: Hoàng Linh

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến