Những ông chủ nhà băng ôm mộng bay dang dở
30/03/2016 18:13:54
ANTT.VN – Dự định cất cánh của Eximbank dang dở với 11% vốn điều lệ tại hãng hàng không Sếu đầu đỏ Air Mekong bị chết yểu hay ngân hàng ACB mắc kẹt với khoản nợ 1,3 triệu USD tại Indochina Airlines… là những bài học đắt giá đối với những ông chủ nhà băng nuôi dưỡng giấc mơ bay.

Tin liên quan

Không phải tình cờ mà đứng sau mỗi hãng hàng không thành lập mới đều có sự hỗ trợ đắc lực của phía các ngân hàng – những tổ chức “không có gì ngoài tiền”. Đặc thù của ngành hàng không là có cấu trúc chi phí cao (chi phí chìm lớn vì mỗi chuyến bay dù nhiều hay ít khách, hãng hàng không đều mất phần phí đó), nhất là khi phải mở rộng đội bay chiếm thị phần, sự hỗ trợ tài chính của các nhà băng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Đơn cử như trường hợp của Eximbank góp vốn vào hãng bay sếu đầu đỏ Air Mekong, ACB hỗ trợ tài chính cho Indochina Airlines hay mới đây nhất là tham vọng lấn sân sang ngành dịch vụ đáng mơ ước này của Techcombank bằng việc hợp tác với Vietnam Airlines khai sinh ra Hãng hàng không Vasco.

Nhưng rủi ro từ việc đầu tư ngoài ngành chính là những “trái đắng” của các ông chủ nhà băng khi hãng hàng không “chết yểu” vì quản trị kém, không có sức cạnh tranh trên thị trường đầy màu mỡ nhưng cũng không kém phần khốc liệt.

Indochina Airlines "báo tử", để lại cho ACB khoản nợ 1,3 triệu USD không có khả năng thu hồi

Đối với trường hợp của Indochina Airlines, sau khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 25/22/2008 thì ngay sau đó, hãng hàng không này đã phải cắt giảm một nửa số máy bay và tần suất bay cũng giảm xuống chỉ còn 2 chuyến/tuần do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lượng khách sụt giảm. Nửa năm sau, đến giữa năm 2009, hãng này chỉ còn khai thác đường bay duy nhất là TP HCM và Hà Nội với một chiếc máy bay.

Mối quan hệ của Indochina Airlines và ACB bắt đầu khi hai bên ký kết một hợp đồng bảo lãnh mở thư tín dụng thanh toán trị giá 1,19 triệu đô la Mỹ. Đồng thời, ông Hà Hùng Dũng – Tổng giám đốc Indochina Airlines có ký chứng thư bảo lãnh việc trả nợ thay cho công ty trong trường hợp doanh nghiệp này không trả được nợ ngân hàng.

Ngày 31/10/2009, Indochina Airlines đã ngừng mọi hoạt động xúc tiến thương mại và trả lại cho đối tác chiếc máy bay thuê cuối cùng.

Khi mọi chuyện “không còn gì để nói”, ACB kiện Indochina Airlines ra tòa đòi nợ 1,3 triệu USD (gồm cả gốc 1,19 triệu USD và lãi tính đến ngày 27/7/2011) tuy nhiên CTCP Hàng không Đông Dương không còn khả năng trả nợ nên ông chủ Hà Dũng là người chịu trách nhiệm khoản nơ này đối với ACB.

Không khá khẩm hơn là mấy, Eximbank cũng ngậm “trái đắng” khi nuôi mộng lớn khi ký kết hợp đồng góp 11% vốn điều lệ vào Air Mekong vào năm 2012, trong kế hoạch tăng vốn của hãng hàng không (khi đó đã hoạt động được 2 năm) lên 600 tỷ đồng.

Việc góp vốn của Eximbank – ngân hàng đứng đầu khối TMCP khi đó đã bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” do vi phạm tỷ lệ vốn đầu tư ngoài ngành.

Eximbank góp vốn 11% vào Air Mekong

Ngoài việc góp vốn vào Air Mekong, Eximbank còn cam kết sẽ hỗ trợ Air Mekong trong các hoạt động tài trợ thuê, mua máy bay để phát triển đội bay lên 10 chiếc trong các năm tới.

Thế nhưng, tình thế lại bất ngờ xoay chuyển khi Air Mekong xin tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013 với lý do là tái cơ cấu đội tàu bay. Sau 1 tháng xin tạm ngừng bay, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Air Mekong hết hiệu lực. Sau hơn 1 năm tạm ngừng bay, Air Mekong vẫn không có bất cứ động thái nào về kế hoạch sẽ bay trở lại và không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép KDVCHK theo quy định

Đến ngày 6/1/2015, Bộ GTVT đã quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong), giấc mơ bay của Eximbank cũng từ đó bị gãy cánh.

Hiểu Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến