Niềm tin định đoạt tương lai của Bitcoin
Hơn 250 năm trước, nhà kinh tế học Adam Smith từng nói “Cốt lõi của tiền tệ là niềm tin”. Thực vậy, biến động dữ dội của giá Bitcoin và những động thái tiêu cực từ cá nhân và chính phủ nhiều nước trong nửa năm nay vẫn không làm những tín đồ của đồng tiền mã hóa này nản lòng.
Sau khi đột phá lên mức giá kỷ lục hơn 64.000 USD hồi tháng Tư, giá Bitcoin rơi thẳng xuống gần 30.000 USD chỉ trong tháng tiếp theo và sau đó dao động ở mức từ 35 đến 38 nghìn USD. Thời gian qua, giá Bitcoin tiếp tục giảm sâu, xuống đến 33.000 USD và giới giao dịch bắt đầu lo sợ thiệt hại khi biểu đồ chỉ báo kỹ thuật tiến về “giao cắt tử thần” (death cross).
Ngày 12/6, khi tạp chí The Economist đăng tải video trên Youtube, phân tích Bitcoin khó lòng trở thành một loại tiền tệ - tức có thể sử dụng để thanh toán rộng rãi, hầu hết ý kiến phản hồi đều không đồng tình. Những người tin vào tương lai của Bitcoin cũng không phải không có cơ sở.
Bất lợi cho tương lai của Bitcoin
Tất cả những đặc điểm bất lợi cho sự tương lai trở thành tiền tệ của đồng tiền 12 năm tuổi “không rõ cha sinh mẹ đẻ” đều dễ dàng nhận thấy: không có giá trị nội tại (như vàng), biến động lớn và chi phí giao dịch quá cao không thể sử dụng cho thanh toán rộng rãi.
Một đặc điểm nội tại bất lợi khác của hệ thống Bitcoin chính là việc khoảng 95% tổng số Bitcoin đang lưu hành nằm trong tay của 4% 'account' lớn nhất. Các 'account' này cũng chỉ nắm giữ chứ chưa từng bán ra, khiến Bitcoin trở thành một tài sản mang tính đầu cơ nhiều hơn là để giao dịch.
Bên cạnh đó, Bitcoin còn phải đối mặt với sự ngăn cấm và đe dọa ngăn cấm từ nhiều chính phủ, cùng sự ra mắt của tiền điện tử “chính danh” do ngân hàng trung ương phát hành. Chưa hết, “tình cũ” Elon Musk, người dẫn đầu cơn sốt đầu tư vào Bitcoin, sau khi nâng đỡ hết lòng, lại bất ngờ tuyên bố “chia tay” để chạy theo một loại tiền điện tử khác là Dogecoin, càng khiến Bitcoin lao đao.
Dự đoán về “mùa đông thứ ba của Bitcoin” ngày một rõ ràng hơn. Hiện tại, các hoạt động siết chặt việc khai thác tiền điện tử ngày một gay gắt hơn ở Trung Quốc, quốc gia có sản lượng Bitcoin khai thác được cao nhất thế giới, khiến nhiều nhóm thợ đào nước này phải dừng hoạt động và sẽ phải tìm phương án khai thác ở quốc gia khác. Để trang trải chi phí, nhiều nhóm thợ đào bắt buộc phải bán đi lượng Bitcoin đang nắm giữ khiến cho tốc độ đi xuống của thị trường càng nhanh hơn.
Toán học đằng sau niềm tin vào Bitcoin
Thông thường, khi nhiều đối tượng (account) tham gia thanh toán bằng một loại tiền tệ phải thông qua một bên thứ ba (thường là ngân hàng trung ương) đứng ra đảm bảo và ghi nhận các giao dịch trên một “sổ cái”.
Tiền tệ truyền thống cũng do bên thứ ba này phát hành. Từ đó, vấn đề về niềm tin phát sinh: bên thứ ba nắm toàn quyền ra luật chơi, nên hoàn toàn có nguy cơ sụp đổ hay gian lận, gây thiệt hại cho những đối tượng tham gia hệ thống thanh toán truyền thống.
Ngược lại, hệ thống thanh toán bằng Bitcoin vận hành trên nguyên tắc thanh toán ngang hàng, phi tập trung, không cần đến bên thứ ba, mà hoàn toàn dựa trên cơ sở toán học. Nhờ vào “hàm băm” (hash function), các chìa khóa cá nhân (private key) được tạo ra trong mỗi lần giao dịch có độ bảo mật cao đến mức không thể bẻ gãy.
2^256 là con số “lớn không tưởng” mà các tín đồ Bitcoin đưa ra để chứng minh công sức một hacker phải bỏ ra để phá vỡ tính bảo mật của hệ thống. Nhờ vào khả năng bảo mật này, các account không cần bất kỳ “sổ cái” nào để lưu lại giao dịch của mình, cũng không cần bên thứ ba nào để đảm bảo các thanh toán là tin cậy.
Chính niềm tin vào toán học khiến Bitcoin có tương lai trở thành tiền tệ thực sự. Một người có thể nghi ngờ người khác, nghi ngờ thể chế gian lận và có nguy cơ sụp đổ, chứ không thể nghi ngờ sự công bằng tối cao của toán học.
Có đông thì sẽ có xuân?
Trong lịch sử, Bitcoin từng có hai lần “ngủ đông”, mỗi lần kéo dài 4 năm, và sau đó có bước nhảy vọt vào năm 2013 và 2017. Nếu lịch sử lặp lại, Bitcoin sẽ tiếp tục chu kỳ giá thấp thêm 4 năm nữa, sau cú nhảy vọt năm 2021. Cú nhảy vọt năm nay cũng là lần tăng giá cao nhất của Bitcoin, khiến nhiều người, trong đó có Bobby Lee - nhà sáng lập sàn giao dịch BTCC, tin tưởng rằng Bitcoin có thể lên đến mức giá 300.000 USD, gấp gần 10 lần hiện tại.
Việc giá Bitcoin dao động lên xuống chỉ có ý nghĩa với giới đầu cơ – những người mong muốn chốt lời càng nhiều càng tốt, chứ không ảnh hưởng đến các tín đồ Bitcoin. Những người tin vào tương lai của Bitcoin đặt niềm tin vào toán học đằng sau hệ thống thanh toán phi tập trung. Họ giữ lại Bitcoin để chờ qua mùa đông hay mua vào khi giá ở mức thấp nhất. Họ cũng tìm cách để chấp nhận Bitcoin trong kinh doanh.
Chính niềm tin này là cơ sở cho tương lai trở thành tiền tệ của đồng tiền này. Tuy nhiên, vai trò của giới đầu cơ cũng không nhỏ. Sự tham gia vào hệ thống Bitcoin của càng nhiều đối tượng là một trong ba yếu tố chính để duy trì thị trường Bitcoin.
Adam Smith từng chỉ ra, ba yếu tố tất yếu để một quốc gia nghèo nhất trở nên thịnh vượng là tự do, thương mại, và luật lệ chấp nhận được. Tương tự đối với thị trường Bitcoin, nếu các cá nhân được tự do giao dịch trong một cơ chế luật pháp không quá khắt khe và thiên vị, niềm tin vào cơ sở toán học đằng sau Bitcoin sẽ giúp duy trì hệ thống.
Với một hệ thống còn non trẻ, chỉ cần duy trì được, tương lai trở thành tiền tệ của Bitcoin dù khó khăn, nhưng không phải không có khả năng./.
Tác giả: Hoàng Dương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy