Dòng sự kiện:
Niềm vui đến trường
05/09/2018 13:37:09
Lứa tuổi nào đi học cũng cần vui chứ không chỉ bậc mầm non hay tiểu học. Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi cần những cách dạy học và cách ứng xử khác nhau để việc học là tự thân, là niềm vui chứ không trở thành gánh nặng.

Hãy để học sinh được đến trường với nhiều niềm vui cùng bạn bè, thầy cô

Xây dựng hoạt động vì chính học sinh

Một số trường ở Hà Nội đang nỗ lực để những ngày đầu đến trường của học sinh (HS) các lớp đầu cấp không bị bỡ ngỡ, áp lực vì thay đổi môi trường học tập.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, ngôi trường có cả 3 cấp học từ tiểu học đến THPT, cho rằng: Ở mỗi lứa tuổi thì ấn tượng những ngày đầu đến trường sẽ có những sự khác nhau trong cảm nhận. Với HS tiểu học là những hoạt động rộn ràng, trải nghiệm bằng những trò chơi; HS THCS, lứa tuổi tập làm “người lớn” và THPT thì sẽ phải để cho các em lên ý tưởng và tự thiết kế những hoạt động của mình, thầy cô chỉ tham gia góp ý…

“Trải qua 25 năm lãnh đạo Trường Marie Curie, tôi ngẫm ra một điều. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc gần gũi đến việc cao siêu, từ việc riêng đến việc chung... đều hướng đến cái đẹp và sự tử tế. HS sẽ cảm nhận được điều đó mỗi ngày, mỗi giờ từ chính những thầy cô của mình”, ông Khang nói.

Chính vì điều đó, trước mùa tựu trường năm nay, thầy cô Trường Marie Curie mất hàng tháng trời chỉ để mang lại một niềm vui nho nhỏ cho HS. Đó là việc các thầy cô dày công chuẩn bị và thực hiện một video đặc biệt mà trong đó mỗi thầy cô đều là “ca sĩ” mặc thật đẹp và hát bài hát được sáng tác riêng cho trường tặng HS của mình. Còn ban giám hiệu thì gửi gắm yêu thương, động viên tinh thần của HS bằng lời lẽ ân cần, ấm áp, tin yêu, giúp thầy trò không còn khoảng cách. Ngoài ra, mùa tựu trường hằng năm, trường đều tổ chức lễ hội hoa cúc, những chậu hoa cúc rực rỡ sắc màu được trang trí từ cổng tới sân trường, từng cầu thang, hành lang lớp học khiến HS có một khởi đầu đầy hứng khởi trong một không gian gắn kết.

Còn tại Trường THPT Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, thì ngày đầu đến trường là “ngày hội kết nối”. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ngày hội” chính là một món quà của các thầy cô giáo trong hội đồng sư phạm, đặc biệt là của các anh chị HS khối 11, 12 đón chào HS lớp 10 vào trường. Tham gia ngày hội kết nối, HS khối 10 đã được hòa mình vào cuộc thi nhảy múa, thể thao cùng với các anh chị khối trên...

Ngoài các hoạt động trên, trong tuần đầu tiên, hiệu trưởng nhà trường trực tiếp trang bị kỹ năng cho HS khối 10. Chia sẻ những thay đổi trong cách học chủ động ở cấp THPT đồng thời giúp HS bình tâm đối mặt và biết vượt qua thất bại...

Mô hình trường học hấp dẫn

Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho hay trước năm học mới, với mục tiêu xây dựng mô hình trường học hấp dẫn, bên cạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, UBND quận đã chỉ đạo 100% các trường trên địa bàn quận chỉnh trang khung cảnh sư phạm, lắp đặt giàn hoa cây cảnh, trang trí nhà trường, đảm bảo khang trang, hiện đại, tạo môi trường sư phạm thân thiện, giúp HS thêm gắn bó, yêu trường yêu lớp.

Với Trường Phổ thông liên cấp Olympia thì trường học hấp dẫn được thực hiện bằng những hoạt động trải nghiệm thực tế của HS. Ngay trong tháng 8.2018, HS lớp 1 trải nghiệm khoa học ngay trong vườn cây với nhiều loại hoa trái. Còn HS THPT thực hiện giai đoạn cuối của dự án học tập tích hợp “tìm hiểu nền nông nghiệp lúa nước” tại đồng ruộng ở H.Ứng Hòa, Hà Nội. HS Nguyễn Thành Tín, lớp 11 của trường, cho biết: “Cảm nhận vẻ đẹp bình dị, yên bình của khung cảnh làng quê, những kỷ niệm đáng nhớ bên cạnh bạn bè, những trải nghiệm mới lạ với những công việc chỉ nghe trên sách vở”...

PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cũng nhấn mạnh đến hiệu quả của phương pháp học trải nghiệm. Đây là một phương pháp tiên tiến trên thế giới, giúp HS có nền tảng tư duy độc lập, để có thể tự chủ động tìm lời giải cho các vấn đề của các môn học và cả các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, vai trò lớn nhất của phương pháp trải nghiệm chính là mang đến niềm yêu thích học, yếu tố quan trọng nhất để trẻ học tốt.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), thì tâm niệm: Chất lượng của nhà trường luôn được đo bằng chính chỉ số hạnh phúc của HS. Mỗi HS đến trường được trải nghiệm các kiến thức mới, được yêu thương, được hạnh phúc với phương châm giáo dục “chăm lo đến từng HS, giúp mỗi trò đều tiến bộ”. Sự tiến bộ ấy là so với chính mỗi đứa trẻ chứ không phải so với những HS.

Niềm vui từ những sáng tạo của thầy

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cho rằng những giờ học sáng tạo, khiến HS hào hứng, say mê luôn là quá trình mồ hôi, công sức, trăn trở của giáo viên.

Chia sẻ với giáo viên của mình ngay trước năm học mới, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THCS & THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, cho rằng thầy cô giáo là những người đang nhận sứ mệnh là kỹ sư tâm hồn. Ngoài tri thức, tài năng sư phạm, người thầy còn phải có niềm đam mê nghề nghiệp, có lòng nhân ái và bao dung, sống trung thực và trách nhiệm, hết lòng thương yêu HS.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cũng khẳng định vai trò của giáo viên trong niềm vui đến trường của học trò. Nhưng ông cũng cho rằng, muốn làm được như vậy, về lâu dài không thể đòi hỏi sự hy sinh vô điều kiện của các thầy cô mà phải lo cho họ một đồng lương đủ sống, điều kiện làm việc ở mức có thể chấp nhận được. Theo ông Khang, mọi lý thuyết về dạy học sáng tạo sẽ khó áp dụng vào thực tế khi điều kiện dạy học quá “khắc nghiệt”.

Cha mẹ không gây áp lực

Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng để việc đi học của HS không còn là gánh nặng thì các bậc cha mẹ cũng là nhân tố quan trọng. “Xin quý vị hãy dành thêm thời gian để quan tâm, chăm sóc con mình, cùng con tâm sự, chia sẻ những niềm vui hay nỗi buồn… đồng hành cùng con để khơi dậy niềm đam mê học tập; hỗ trợ, động viên, khuyến khích với những thành công dù là nhỏ nhất. Hãy bày tỏ sự tin tưởng và biết chấp nhận những vấp ngã đầu đời của con mình, vì đó không phải là thất bại mà chỉ là thành công bị trì hoãn”, ông Bình nhắn nhủ.

Còn bà Phan Hồ Điệp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, gửi gắm tới các bậc phụ huynh: “Kẻ thù vô hình” nhưng rất đáng sợ của trẻ là mỗi khi bố mẹ nhắc tới “con nhà người ta” để so sánh với con nhà mình. Thay vì ép chúng phải giỏi giống “con nhà người ta” thì bố mẹ hãy đồng hành với con, khích lệ con bằng những lời khen khi so sánh với chính sự tiến bộ của trẻ.

Theo Thanh Niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến