Đồ họa: Đan Nguyễn
Cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 39 - 40%
Quốc hội khóa XV sắp khai mạc Kỳ họp thứ sáu. Ở kỳ họp giữa nhiệm kỳ này, Quốc hội không chỉ xem xét tình hình nợ công năm 2023, dự kiến năm 2024, mà còn nhìn nhận cả kết quả 3 năm kế hoạch vay, trả nợ nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Đầu nhiệm kỳ, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Quốc hội đã quyết định các chỉ tiêu an toàn nợ: nợ công/GDP mức trần không quá 60%; ngưỡng cảnh báo là 55%; nợ Chính phủ/GDP và nợ nước ngoài của quốc gia/GDP mức trần không quá 50%; ngưỡng cảnh báo là 45%.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/tổng thu ngân sách nhà nước không quá 25%. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng)/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ không quá 25%.
Tại báo cáo vừa được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, đến nay, các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu định lượng Quốc hội đề ra đều đạt.
Cụ thể, tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1,317 triệu tỷ đồng (đạt 42,9% kế hoạch), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 906.700 tỷ đồng (đạt 53,3% kế hoạch).
Các chỉ tiêu an toàn nợ từng năm giai đoạn 2021 - 2023 đảm bảo trong các mức trần và ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt. Ước đến cuối năm 2023, nợ công/GDP khoảng 39-40%; nợ Chính phủ/GDP khoảng 36-37%; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP khoảng 37-38%.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng)/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ khoảng 7-8%.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2021-2023, trong bối cảnh các quốc gia tăng vay nợ để bổ sung nguồn lực đối phó với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, quản lý nợ công của Việt Nam vẫn được điều hành chủ động, chặt chẽ, thận trọng.
Theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vay cho ngân sách Trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng. Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương khoảng 1,773 triệu tỷ đồng; vay để trả nợ gốc đến hạn để đảo nợ cho các dự án đầu tư phát triển đã được bố trí vốn từ các năm trước khoảng 1,073 triệu tỷ đồng.
Trong bối cảnh thu ngân sách vượt kế hoạch, giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh nhu cầu vay, đảm bảo vẫn huy động đủ nguồn lực cho ngân sách nhà nước và tối ưu hoá chi phí. Bên cạnh việc tăng thu, tiết kiệm chi, Chính phủ cũng ưu tiên nguồn tăng thu ngân sách nhà nước để trả nợ. Ước thực hiện giai đoạn 2021-2023, huy động cho ngân sách Trung ương khoảng 1,278 triệu tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch vay của ngân sách Trung ương.
Cẩn bổ sung giải pháp mới
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, giai đoạn vừa qua, mặc dù việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, nợ công vẫn trong mức cho phép, song cần lưu ý về số vay để đảo nợ có xu hướng ngày càng cao.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ, Chính phủ cũng chỉ ra không ít khó khăn, hạn chế trong quản lý nợ công, trong đó có những hạn chế từng được cơ quan của Quốc hội chỉ ra. Đó là, luật hiện hành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, nhưng các nghiệp vụ quản lý nợ còn có sự phân tán. Nhiệm vụ liên quan đến đầu tư công bằng nguồn ngân sách nhà nước chưa được quy về một mối từ khâu lập kế hoạch đến theo dõi thanh toán vốn đầu tư và giám sát sử dụng vốn…
Thời gian còn lại của việc hoàn thành kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam cần nguồn vốn lớn. Riêng đối với nhu cầu vốn phục vụ các cam kết của Việt Nam về việc đưa mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, các mục tiêu về phát triển xanh, bền vững…, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2022-2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD (từ nguồn vốn của Chính phủ, vốn khu vực tư nhân, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế), trong đó nhu cầu vốn từ khu vực công khoảng 130 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP mỗi năm. Việt Nam cũng đã tham gia ký kết Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm các đối tác quốc tế, dự kiến huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-6 năm. Ngoài ra, theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, yêu cầu vốn cho giai đoạn 2021-2030 xây dựng các công trình nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD.
Trong bối cảnh trên, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và cho phép trình Quốc hội nghiên cứu bổ sung một số giải pháp mới, như rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan đến Luật Đầu tư công để hạn chế chuyển nguồn ngân sách nhà nước sang năm sau, tránh bị động trong công tác huy động vốn và nâng cao hiệu quả vay nợ.
Chính phủ cũng cho rằng, cần quy định rõ việc bố trí vốn chuẩn bị các dự án đầu tư gối đầu cho giai đoạn sau, trong đó nghiên cứu sửa đổi khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công để có thể vay vốn ODA đầu tư một số tuyến đường sắt nhẹ, đường sắt tốc độ cao.
Theo lý giải của Chính phủ, các dự án trên đều có tổng mức đầu tư lớn, thời gian triển khai thực hiện dài - trên 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp. Vì vậy, việc quy định giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó sẽ hạn chế việc triển khai các dự án tuyến đường sắt nhẹ, đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng muốn sửa đổi các luật liên quan để tăng thêm hạn mức vay của địa phương, đơn giản hóa thủ tục cho vay đối với đơn vị sự nghiệp công lập, sửa đổi điều kiện, quy trình xử lý nợ quá hạn, nợ xấu…
Nghiên cứu rà soát, sửa đổi các luật có liên quan, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Điều ước quốc tế theo hướng đơn giản hóa để hài hòa với quy định của nhà tài trợ, cũng nằm trong đề xuất của Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ còn kiến nghị đổi mới cơ chế huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hướng xây dựng một số chương trình đầu tư công để thực hiện một số dự án quan trọng, có tính lan tỏa trong phạm vi cả nước hoặc một số vùng theo từng mục tiêu ưu tiên, thay cho cách tiếp cận dự án riêng lẻ, phân tán. Chuyển dịch từ vay cho chương trình, dự án sang phương thức vay hỗ trợ ngân sách để gia tăng tính chủ động, hiệu quả trong sử dụng vốn vay của Chính phủ.
Đánh giá cụ thể yêu cầu của Quốc hội Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến về quản lý nợ công. Cụ thể, tại nghị quyết trên, Quốc hội yêu cầu quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước. Thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá kỹ việc phát hành trái phiếu chính phủ gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ về nội dung này còn chung chung, mới liệt kê thông tin, số liệu huy động vốn vay trong nước 7 tháng đầu năm 2023, chưa báo cáo và đánh giá cụ thể được việc triển khai các nội dung theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội. |
Tác giả: Nguyễn Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy