Dòng sự kiện:
Nợ xấu ngân hàng thời gian tới tăng mạnh tới cỡ nào?
01/06/2022 19:34:24
Đại biểu Hà Sỹ Đồng lo ngại dòng tiền dễ dãi đang tìm tới kênh đầu cơ vào nhóm tài sản rủi ro, làm nổi lên vấn đề "bong bóng" ở một số lĩnh vực như BĐS, chứng khoán.

Dòng tiền “dễ dãi” vào kênh đầu cơ rủi ro

Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng nay (1/6), đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bàn về Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng tình với nhận định của Ủy ban Kinh tế khi cho rằng: “Kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới”.

Bởi vậy, đại biểu cho rằng, cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm về xử lý nợ xấu cho tới cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý.

Để lập luận cơ sở cần thiết kéo dài Nghị quyết này, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã chỉ ra một số nguyên nhân chính yếu dẫn tới thực tế về vấn đề nợ xấu nêu trên. Thứ nhất, theo ông Đồng, suốt 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, vấn đề duy trì chính sách “tiền rẻ”, “tiền lỏng”, bên cạnh những mặt cấp thiết, tích cực của nó là những hệ lụy khó tránh khỏi.

“Đó là một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi này đã và đang tìm tới các kênh đầu cơ vào nhóm tài sản rủi ro, khiến vấn đề "bong bóng" ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp "ba không" và nhiều tài sản tài chính khác… Ít hay nhiều, nhẹ hay nặng, chắc chắn đã xuất hiện", đại biểu Đồng nói.

Đại biểu cũng chỉ ra, mới đây, khi các cơ quan chức năng ra tay xử lý, lập tức những thị trường này co hẹp lại và rơi vào trầm lắng "một cách bất thường".

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho hay, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Ông Đồng dẫn chứng thêm một số con số liên quan tới thị trường chứng khoán để chứng minh. Cụ thể, VN-Index sau khi gần như đi ngang suốt 2 năm 2018-2019, đã tạo đáy ở mức dưới 650 điểm vào tháng 3/2020.

Kể từ đó tới đầu tháng 4, nhìn chung thị trường liên tục đi lên và chạm vùng đỉnh giá trên 1.500 điểm, tăng tới 250%. Nhưng kể từ sau mốc đó đến trung tuần tháng 5, thị trường trong xu hướng lao dốc, ngày 17/5 chỉ còn giao dịch quanh mức 1.200 điểm, rơi hơn 300 điểm, vốn hóa "bay hơi" cỡ 1,2 triệu tỷ đồng, thanh khoản thị trường chỉ còn quanh mức 16.000 tỷ đồng mỗi phiên, thấp hơn nhiều so với thời đỉnh điểm gần 50.000 tỷ đồng.

VN-Index sau khi gần như đi ngang suốt 2 năm 2018-2019, đã tạo đáy ở mức dưới 650 điểm vào tháng 3/2020 và liên tục lập đỉnh trong năm 2021.

Điểm lưu ý nữa là cũng tính từ tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, đến cuối tháng 4 năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tới 68.000 tỷ đồng (tương đương hơn 3 tỷ USD). Còn tính từ đầu năm nay đến cuối tháng 4, mức bán ròng của nhóm này đạt 4.400 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD).

"Câu hỏi đặt ra là có đúng dòng tiền rẻ từ Ngân hàng Nhà nước bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung, khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp? Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào?", ông Đồng đặt vấn đề.

Ông Đồng cũng băn khoăn, liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này hiện thực sự ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng cỡ nào trong thời gian tới?

"Tất nhiên, những ngành kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ tài chính - ngân hàng đã kiếm lời lớn suốt thời đại dịch. Theo đó, thu ngân sách Nhà nước từ các lĩnh vực này cũng tăng đột biến, bù đắp đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất", ông Đồng nói và cho rằng, đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách Nhà nước thặng dư cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch, đã được đặt ra trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội đầu kỳ họp này.

Thị trường bất động sản tăng trưởng nóng thời gian qua (Ảnh: Phạm Tùng).

Tuy nhiên vị này cũng chỉ ra, hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu là toàn thị trường tài chính - tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng tích tụ rủi ro.

"Nay đối mặt với tình trạng lạm phát cao toàn cầu, xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã khiến thị trường tài chính quốc tế nhiều phen rung lắc mạnh, kéo theo rủi ro và làm tăng tính dễ tổn thương cho hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam", ông Đồng bày tỏ.

Thứ hai, ông Đồng lo ngại khả năng chúng ta đang bị "trễ nhịp - lệch nhịp - lạc nhịp" ở mức độ nhất định với kinh tế thế giới khi tiến độ triển khai gói hỗ trợ tài chính tiền tệ theo Nghị quyết 43 khá chậm chạp và hiệu quả sẽ không kịp bộc lộ rõ nét trước khi áp lực lạm phát cao xuất hiện, khiến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bị kẹt vào tình thế lưỡng nan.

"Sốt ruột” với gói phục hồi kinh tế

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội.

Theo ông An, đến thời điểm này Nghị quyết 43 và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa thực hiện dứt điểm, chẳng hạn chương trình hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, máy tính cho em…

Việc triển khai chậm làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn, ông An nhấn mạnh.

"Có một sự "sốt ruột không hề nhỏ" khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được mặc dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách", ông An trăn trở. Đại biểu lo lắng, nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của chương trình là rất khó khả thi.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai, cải cách thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

"Nội dung nào đúng thẩm quyền thì phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng, hạn chế tối đa việc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị; tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện giải ngân, triển khai chính sách", đại biểu đề xuất.

Ông An cũng đề nghị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của nước ta rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp.

Do đó, cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu xử đến đó; doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao.

Việc rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này, theo đại biểu, tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế, đồng thời cũng để không xảy ra "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn.

Cùng với đó, cần có công cụ để điều tiết thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản và kiểm soát việc tăng giá bất động sản bất thường ở mọi vùng, mọi nơi, tránh tiếp tục xảy ra "bong bóng bất động sản" thời gian tới, đại biểu kiến nghị.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến