Nợ xấu, nợ công và tăng trưởng: vấn đề là ở niềm tin
07/10/2016 09:39:43
Vấn đề xử lý nợ xấu bằng ngân sách nhà nước đã nóng lên trong thời gian gần đây sau khi dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập tới vấn đề này.

Tin liên quan

Các tranh luận chia thành nhiều nhóm quan điểm khác nhau. Nhóm thứ nhất phản đối sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu vì như vậy là không công bằng, dùng tiền thuế của dân nghèo để tài trợ cho người giàu gây tổn thất cho xã hội. Nhóm thứ hai đồng tình vì nếu không làm vậy thì lãi suất trong nền kinh tế vẫn cao, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn và ngân hàng gặp khó thì ngân sách cũng bị tổn hại. Nhóm thứ ba đồng tình với nhóm thứ hai là xử lý nợ xấu phải dùng “tiền tươi” nhưng hiện tại không phải là thời điểm cấp thiết vì còn nhiều vấn đề về y tế, giáo dục, khắc phục biến đổi khí hậu cấp thiết hơn vì nó liên quan tới đời sống người dân.

Bài viết này xin đi vào phân tích một số điểm mà cuộc tranh luận của các bên cần làm rõ.

Vì sao phải chi tiền để giải quyết nợ xấu nếu khoản tiền đó có thể tạo ra hạ tầng như đường cao tốc, giải quyết hạn hán, ngập mặn, tài trợ cải tổ nông nghiệp? (Ảnh: MINH KHUÊ)

Xử lý nợ xấu bằng ngân sách thì thúc đẩy tăng trưởng hay làm tăng bong bóng tài sản?

Một lập luận quan trọng trong quan điểm của nhóm ủng hộ xử lý nợ xấu bằng ngân sách là cần phải giải quyết dứt điểm nợ xấu để hạ lãi suất cho vay xuống, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng sự thật thì doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó tiếp cận vay vốn từ lâu, ngay cả trong giai đoạn có những gói kích cầu nhiều tỉ đô la Mỹ bơm ra thị trường trong mấy năm trước (một trong những nguyên nhân hình thành nợ xấu hiện tại).

Vì vậy, không có gì đảm bảo là kéo lãi suất cho vay xuống thì đẩy được tăng trưởng hay sức cạnh tranh của nền kinh tế lên, càng không có gì đảm bảo điều đó giúp được cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trái lại, nó có thể bơm nguồn nuôi sống các xác chết biết đi vốn là những tập đoàn kinh tế khổng lồ đang thua lỗ lớn trong nền kinh tế. Ngân hàng tạo ra nợ xấu vì họ sai lầm trong quyết định cho vay trước đây. Ai đảm bảo họ sẽ không sai lầm một lần nữa?

Một số chuyên gia ngân hàng cho rằng những lập luận của nhóm quan điểm không ủng hộ dùng ngân sách xử lý nợ xấu là không hiểu về thực tế ngân hàng nhưng họ dường như cũng quên rằng họ nằm trong số những người đặt cược sai trong những canh bạc dẫn đến nợ xấu hiện nay. Tại sao người dân vẫn phải tin những người đã mắc sai lầm trước đây? Ai dám đảm bảo giải quyết nợ xấu thì các doanh nghiệp cần vốn được vay tiền và vay với lãi suất thấp hơn. Có khi nào chỉ một vài doanh nghiệp lớn, thân hữu mới có lợi hay không?

Ở một khía cạnh khác, hãy giả định là giải quyết được một phần nợ xấu thì giảm được lãi suất cho vay trong nền kinh tế trên diện rộng. Nhưng bài học giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ mấy năm qua ở nhiều nước cho thấy thành quả tăng trưởng không khả quan là mấy cho số đông dân chúng (tiền lương thực tăng rất chậm, thậm chí giảm trong nhiều ngành) nhưng bong bóng tài sản lại hình thành (chẳng hạn giá cổ phiếu tăng nhanh hơn thu nhập doanh nghiệp thực sự tạo ra đến 3-4 lần ở Mỹ). Bài viết của tác giả Thành Nam gần đây (Lãi suất bắt đầu hành trình giảm, TBKTSG 29-9-2016) cũng đang chỉ ra rằng thị trường cổ phiếu sẽ hưởng lợi từ kỳ vọng giảm lãi suất hiện nay.

Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) vừa công bố đánh giá cho thấy dùng chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế không đạt hiệu quả ở những nước nơi mà sức cạnh tranh nội tại của nền kinh tế đó quá kém. Họ nhận định rằng sức cạnh tranh nội tại mạnh là tiền đề cốt lõi để sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kích thích kinh tế. Vì vậy, nói giảm lãi suất để đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là bỏ quên tiền đề về sức cạnh tranh. Mà vốn dĩ sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta đang yếu đi nhiều, hàng hóa nước ngoài đang từng bước đánh bại hàng nội trên sân nhà.

Môi trường kinh doanh hiện tại còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải cạnh tranh không bình đẳng với các công ty nước ngoài và doanh nghiệp lớn (vốn nhận được nhiều ưu đãi ngay cả với các dự án đầu tư có nhiều rủi ro với môi trường) và thường xuyên bị nhũng nhiễu bởi tham nhũng vặt. Trong bối cảnh đó, hạ lãi suất và tăng tín dụng trong lúc này nhiều khả năng chỉ có lợi cho những ai đang đầu cơ cổ phiếu, bất động sản và những doanh nghiệp đang nợ hàng ngàn tỉ đồng. Số này không biết chiếm bao nhiêu phần trăm trong nền kinh tế? Giả sử giúp họ thì GDP tăng được lên thì lợi ích đó sẽ đi vào tay ai là chính? Tăng trưởng vì một số ít như vậy thì có cần không?

Nhóm ủng hộ dùng ngân sách giải quyết nợ xấu cần trả lời rõ ràng những câu hỏi này!

Tiền đâu để xử lý nợ xấu?

Muốn xử lý nợ xấu bằng tiền của ngân sách, dù thế nào cũng phải dùng tiền của ngân sách, dù là cho vay hay cho không, và dù là dùng trực tiếp ngân sách hay vay nợ riêng cho mục đích giải quyết nợ xấu. Trong khi đó, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, cả nước cần tới 2 triệu tỉ đồng cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Việt Nam cần gần 100 tỉ đô la Mỹ cho đầu tư công, TBKTSG 29-9-2016). Đó là chưa tính những thiệt hại ngoài dự kiến do biến đổi khí hậu sẽ gây ra cho Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, câu hỏi “tiền đâu” để giải quyết nợ xấu luôn luôn quan trọng.

Và, vì sao phải chi tiền để giải quyết nợ xấu nếu khoản tiền đó có thể tạo ra hạ tầng như đường cao tốc, giải quyết hạn hán, ngập mặn, tài trợ cải tổ nông nghiệp? Ai khẳng định giảm lãi suất (mà chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể vay) có hiệu quả hơn giải quyết những nút thắt về hạ tầng hay môi trường? Tuy không có ai buộc Việt Nam phải chọn giữa nợ xấu với môi trường, nhưng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp và nợ công cao, hiệu ứng đánh đổi nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Cách giải quyết xung đột lợi ích này khá là đơn giản: chấp nhận tăng nợ công để tăng chi tiêu cho cả nợ xấu và chi tiêu phát triển nhằm kích thích kinh tế và đảm bảo tăng trưởng có thể mang lại lợi ích đều cho nhiều phía. Nhưng đây lại là một vấn đề mà xã hội nghi ngờ và khó mà đồng thuận, vì người dân đã mất dần niềm tin vào hiệu quả chi tiêu ngân sách trước đây của Chính phủ.

Vấn đề vẫn là ở niềm tin

Sự khác biệt giữa các nhóm ý kiến về nợ công nằm ở chỗ người phản đối dùng ngân sách e ngại là tiền ngân sách để xử lý nợ công cuối cùng sẽ không được sử dụng hiệu quả và tạo ra bong bóng tài sản, làm giàu cho một số người, tạo ra nợ công mới hoặc sẽ gây gánh nặng ngân sách mới, trong khi nhóm ủng hộ cho rằng cứ như vậy mà không có tăng trưởng đủ thì ngân sách thất thu mà dần dần tăng trưởng thấp thì cũng sẽ gây ra nợ xấu mới.

Vấn đề nằm ở chỗ cách xử lý nợ xấu và vấn đề niềm tin, và hai vấn đề này lại liên hệ qua lại.

Trước tiên, xử lý nợ xấu bao năm qua dựa trên tiền đề “nói dối lẫn nhau” của nhiều bên và điều này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Rủi ro tiềm ẩn từ nợ xấu và các khoản lãi dự thu của ngân hàng đã được cảnh báo từ đầu năm, nhưng nó không hề được giải thích và quan tâm đúng mức.

Xử lý nợ xấu bằng ngân sách chỉ là một trong những nút thắt để giảm lãi suất. Nó còn là vấn đề về cơ chế điều hành lãi suất (xem bài của tác giả Hồ Lê: Mở đường cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay, TBKTSG 30-9-2016) và những nút thắt trong cơ chế mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt nam (VAMC) đối mặt. Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, do đó, không thể được xem là giải pháp duy nhất mà chỉ là một trong những bước đi cần làm để giảm lãi suất. Những vấn đề này cần được làm rõ và minh bạch trong quá trình xử lý nợ xấu cũng như với những chính sách về lãi suất.

Nhìn rộng ra hơn, nợ xấu chỉ là phần chìm của tảng băng. Phần quan trọng hơn chính là nằm ở chỗ môi trường kinh doanh Việt Nam đã xấu đi nhiều trong thời gian qua và thị trường vốn phân bổ vốn lệch lạc (các vụ án kinh tế cho thấy các doanh nghiệp thua lỗ lớn cũng chính là những con nợ lớn của nhiều ngân hàng) nên nợ xấu tăng. Cải thiện môi trường kinh doanh cần nhiều thứ, trong đó cần giảm lãi suất và gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho mọi loại hình doanh nghiệp. Giảm nợ xấu vừa là hệ quả vừa là một mắt xích của cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam đang không may mắn khi phải đối mặt với sự tụt hậu về hạ tầng và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trách nhiệm có thể quy về những quyết định sai lầm trong quá khứ lẫn yếu tố khách quan, nhưng đối mặt với nó ở hiện tại vẫn đòi hỏi phải chi tiền ra để đầu tư cho tăng trưởng.

Nhưng đầu tư là có rủi ro. Muốn dân chấp nhận chia sẻ rủi ro, cho phép Chính phủ mạnh dạn chi tiền trong bối cảnh nợ công đã cao, thì đầu tiên cần lấy lại niềm tin ở họ. Phải cho thấy một đồng chi ra cũng là hợp lý, cho phép dân kiểm tra chi cái gì, chi ra sao, và đã hạn chế lãng phí, tham nhũng như thế nào. Vì vậy, muốn chi tiền xử lý nợ xấu hay chi tiêu công hiện tại, nói cho cùng, nằm ở chỗ cần cam kết lấy lại niềm tin của người dân và chỉ định rõ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có sai sót xảy ra.

Theo TBKTSG 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến