Tiếp theo kỳ trước: Một quyết định giúp tập đoàn Hoàng Huy ‘né’ gần 200 tỷ tiền thuế
Tập đoàn Hoàng Huy và ‘tấm màn chắn’ người khuyết tật
Trụ sở của HHS đặt tại đường Nguyễn Đức Cảnh, Lê Chân, Hải Phòng
Như đã phân tích ở 2 kỳ trước, ban điều hành của HHS gồm 1 giám đốc và 3 phó giám đốc, trong đó phần lớn đều đã cao tuổi, và không có nhiều kinh nghiệm liên quan tới các lĩnh vực kinh doanh của công ty.
Phó giám đốc Phạm Văn Mạn năm nay đã 71 tuổi, từ năm 1967 – 2005 hoạt động trong lĩnh vực chính sách xã hội, trong đó một thời gian dài làm Trưởng phòng Chính sách thương binh liệt sĩ (Sở LĐTB&XH).
Ông nghỉ hưu trí 3 năm sau đó, nhưng bất ngờ năm 2008 được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc HHS, phụ trách mảng nhân sự. Được biết, ông Mạn là thương binh ¼.
Tương tự, Phó giám đốc Hoàng Thanh Tùng năm nay 66 tuổi, xuất ngũ năm 1977, ông làm nhân viên Công ty cấp nước Hải Phòng giai đoạn 1978-1987, trước khi nghỉ mất sức suốt 21 năm sau đó, cho tới khi được bổ nhiệm làm PGĐ HHS từ tháng 5/2008, quản lý trong một lĩnh vực gần như xa lạ với ông.
Ngoài ra, ban điều hành của HHS còn có giám đốc Vũ Văn Cảnh (69 tuổi), phó giám đốc Nguyễn Trung Độ (43 tuổi).
Ngoại trừ ông Độ (được bổ nhiệm từ năm 2009), 3 vị trí điều hành còn lại của HHS đều được bổ nhiệm từ thời điểm thành lập HHS, năm 2008.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2016 cho thấy tổng thu nhập của ban điều hành, gồm 1 giám đốc và 3 phó giám đốc của HHS trong 6 tháng đầu năm là 155,4 triệu đồng, tương đương chưa tới 6,5 triệu đồng/ người/ tháng, bao gồm cả lương, thưởng, phụ cấp xăng xe các loại...
Ban điều hành của HHS có thu nhập thấp, đồng thời sở hữu rất ít cổ phiếu HHS. Nguồn: Báo cáo quản trị HHS bán niên 2016
Các công ty lớn, chuyên nghiệp thường thuê đội ngũ điều hành giỏi, có trình độ chuyên môn cao, đồng thời không tiếc tay chi trả lương, thưởng. Đối với trường hợp ở HHS, việc bổ nhiệm những vị trí lãnh đạo quan trọng song không có nhiều kinh nghiệm liên quan, đồng thời chi trả mức thù lao rất thấp đặt ra dấu hỏi về tính minh bạch của doanh nghiệp này, nhất là khi mà báo cáo quản trị cho thấy tính tới cuối tháng 6/2016, chỉ có ông Cảnh và ông Độ mỗi người nắm giữ vỏn vẹn 1.223 cổ phiếu HHS, trong khi 2 vị phó giám đốc còn lại không sở hữu bất cứ cổ phần nào của công ty mình phục vụ.
Câu hỏi này càng có cơ sở trong bối cảnh HHS và Tài chính Hoàng Huy (TCH) đều được coi như là doanh nghiệp của gia tộc họ Đỗ, với phần lớn thành viên HĐQT là người nhà của Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ. Trong khi đối với TCH – một doanh nghiệp chịu thuế suất thuế TNDN ở mức 20% như bình thường, thì ông Hạ và người nhà ông đều nắm chức vụ chủ chốt trong thành phần ban giám đốc, tuy nhiên ở HHS thì lại nhường vị trí này cho người ngoài?!
Phần lớn lợi nhuận của HHS từ năm 2008 đến nay đều được chuyển thành vốn điều lệ dưới dạng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nguồn: BCTC HHS kiểm toán 2013
Hệ lụy
Việc một doanh nghiệp lớn như HHS được áp dụng chính sách miễn thuế TNDN, dù vi phạm, lách hay thậm chí kể cả đúng luật đều tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với xã hội và nền kinh tế, trái với tinh thần của Đảng và Nhà nước khi các Nghị định 122, 124 được ban hành.
Là doanh nghiệp buôn bán xe tải lớn nhất nước, với lợi nhuận lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (LNST năm 2015 là 481 tỷ đồng), việc được miễn thuế đã và đang giúp HHS tránh được số thuế TNDN rất lớn (tính lũy kế đến hết quý II/2016 là gần 200 tỷ đồng), giúp quay vòng vốn và tiếp tục duy trì ưu thế đối với các doanh nghiệp kinh doanh xe tải khác – những đơn vị phải chịu thuế suất thuế TNDN lên tới 20% mỗi năm.
Đây là lợi thế quá lớn, giúp HHS từng bước bỏ xa các đối thủ còn lại, hướng tới vị thế độc tôn trong ‘làng’ kinh doanh ô tô tải Việt Nam, điều mà mọi nền kinh tế thị trường đều muốn tránh, nhất là khi mà việc độc quyền sẽ mang lại cho HHS lợi nhuận khổng lồ, song thực chất Ngân sách Nhà nước nói riêng và xã hội nói chung nhận được rất ít.
Ngoài ra, khác với các doanh nghiệp bình thường luôn tìm cách tăng chi giảm thu để hạ thấp thu nhập chịu thuế, việc không chịu áp lực về thuế có thể khuyến khích HHS tạo ra lãi ảo; lãi ảo này sau đó lại được dùng để tăng vốn. Lưu ý rằng kể từ thời điểm thành lập, vốn điều lệ của HHS đã tăng gấp 31 lần, từ 90 tỷ đồng năm 2008 lên 2.747 tỷ đồng cuối quý II/2016, trong đó phần lớn lợi nhuận tạo ra đều được chuyển thành vốn điều lệ dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trước khi góp vốn đầu tư BĐS với Hưng Việt, HHS đã cho công ty này vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất rất cao. Nguồn: BCTC HHS kiểm toán 2012
Chúng tôi đã liên lạc với Giám đốc HHS ông Vũ Văn Cảnh và PGĐ Phạm Văn Mạn, tuy nhiên cả hai vị này đều từ chối trả lời và yêu cầu PV phải làm việc trước với UBND TP, Sở KH-ĐT, Sở LĐ TB XH và Cục thuế Hải Phòng.
ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin.
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy