Dòng sự kiện:
Nợ xấu tăng, ngân hàng xin gia hạn cơ cấu và trả nợ
25/02/2024 14:30:03
Trước xu hướng nợ xấu tăng, ngân hàng xin gia hạn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng đến 1 năm, thay vì hết hiệu lực cuối tháng 6/2024, để khách hàng có thời gian trả nợ.

Lo nợ xấu ngày càng gia tăng

Tình hình kinh tế khó khăn gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng. Theo dữ liệu của Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế kém, việc đòi nợ khó khăn trong khi pháp luật thiên về bảo vệ người đi vay hơn so với bên cho vay là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm. Tuy nhu cầu vay vốn vẫn còn, song khả năng vay và khả năng trả nợ giảm mạnh là lý do khiến tín dụng không thể tăng trưởng.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu năm nay, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực. Đồng thời, phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.

Theo ông Vinh, đây sẽ là khó khăn của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới. Việc thu hồi nợ hiện rất khó khăn, đặc biệt là nợ vay tiêu dùng. Rất nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc, riêng FE Credit (công ty tài chính thuộc VPBank) có đến 50% nhân viên thu hồi nợ nghỉ việc.

Các chuyên gia của SSI cũng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tăng trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

SSI lưu ý, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu Dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Kiến nghị gia hạn cơ cấu nợ

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng, các ngân hàng kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến ngày 30/6/2024 hết hạn.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho rằng, vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế hiện nay là sức mua chậm, thị trường bất động sản khó khăn. Do đó, trước mắt, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phải có chiến lược kích cầu sức mua của thị trường, đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án.

Về kết quả thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đến thời điểm này, VietinBank đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 290 khách hàng, với số dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Thế nhưng, ông Sơn cũng kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN do khách hàng còn khó khăn trong những tháng đầu năm 2024, nên cần có thêm thời gian trả nợ.

Tương tự, Phó tổng giám đốc BIDV, ông Trần Long cho hay, sở dĩ tín dụng giảm trong tháng đầu năm 2024 là sức hấp thụ vốn chậm, xuất khẩu, tiêu dùng còn yếu. Các doanh nghiệp còn một số vướng mắc về pháp lý và thị trường xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng của địa chính trị. Nếu không gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, sẽ khó khăn cho khách hàng và cả ngân hàng khi xu hướng nợ xấu tăng.

Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1/2024 ngang bằng với cuối năm 2023, với 1,2%. Đến cuối tháng 1/2024, ngân hàng này đã cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư này.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh và ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng kiến nghị cần gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ.

Trước đề xuất của các ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN, còn thời gian kéo dài thêm bao lâu, nửa năm, một năm, thì cần có đánh giá kỹ hơn. “Đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan thanh tra, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ đề xuất cơ chế và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024”, ông Tú nói.

Tác giả: Thùy Vinh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến