Dòng sự kiện:
Nợ xấu và những yếu tố tác động
04/03/2022 13:20:15
Việc xử lý “cục máu đông” nợ xấu không dễ nếu không nhận diện và có giải pháp ngăn chặn các yếu tố tác động đến nợ xấu.

Ngân hàng thương mại

Nợ xấu xuất hiện sau cho vay không thể không có trách nhiệm và không tác động đến chủ thể cho vay là ngân hàng thương mại.

Trách nhiệm của ngân hàng thương mại thể hiện ở một số hoạt động, với hạn chế phổ biến nhất là cho vay nhưng không tôn trọng một nguyên tắc tối thiểu nhất: “trông giỏ bỏ thóc” - tức là khả năng sinh lời của dự án để thu hồi vốn và lãi. Cùng với đó là sai sót trong việc xác định giá trị tài sản thế chấp khi thời giá thấp, không dự báo được giá tài sản cao lên.

Hạn chế, sai sót trên dẫn đến “vòng luẩn quẩn” dưới 3 dạng chủ yếu: tăng trưởng - lạm phát - thắt chặt - suy giảm - nới lỏng; sức mua giảm - tồn kho tăng - sản xuất giảm - nợ xấu tăng - tín dụng giảm; siết nợ - giá tài sản xuống - tài sản thế chấp bốc hơi - ngân hàng thương mại kiệt quệ - siết nợ càng cao.

Một sai lầm thậm chí vi phạm pháp luật là cho vay “sân sau” do nể nang, sử hữu chéo, lợi ích nhóm… Một sai sót khác là thiếu kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay (vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, một tài sản thế chấp nhiều ngân hàng…).

Tác động của nợ xấu đến hoạt động của ngân hàng thương mại có nhiều, nhưng tập trung ở một số điểm đáng quan tâm. Rõ nhất là tác động đến việc tăng trưởng tín dụng, vì tín dụng cũng giống doanh thu của doanh nghiệp các ngành khác là tiền đề của lợi nhuận; hơn thế nữa, dòng chảy tín dụng còn là “dòng máu” của cơ thể kinh tế.

Một tác động quan trọng là có khả năng làm giảm thậm chí mất lãi, mất vốn của các ngân hàng thương mại, bởi ngân hàng cũng là một loại doanh nghiệp (kinh doanh tiền tệ), một tổ chức trung gian giữa người gửi và người đi vay.

Để giảm tác động tiêu cực của nợ xấu, các ngân hàng thương mại chạy đua xử lý nợ xấu, trên cơ sở tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận, trích lập dự phòng rủi ro, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư quỹ dự phòng rủi ro/dư nợ xấu).

Việc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và việc xử lý nợ xấu ở đây đã đạt kết quả tích cực. Song tác động tiêu cực của đại dịch làm giảm khả năng tài chính, giảm nhu cầu mua tài sản, mua khoản nợ của các đối tác; nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro… Trong khi đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực…

Doanh nghiệp đi vay

Việc vốn vay có góp phần cùng với các yếu tố khác (nguyên nhiên vật liệu, lao động…) để tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp - khách hàng của các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, diễn biến về doanh nghiệp trong hơn 2 năm qua có những chuyển biến bất lợi do tác động tiêu cực của đại dịch.

Tháng 1/2022, tuy số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã tăng khá, nhưng số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường nhiều hơn (38.364 doanh nghiệp so với 32.125 doanh nghiệp), làm cho số doanh nghiệp đang hoạt động giảm 6.239 doanh nghiệp.

Đó là chưa nói, số doanh nghiệp đang hoạt động vẫn gặp nhiều khó khăn do giá cả nhập khẩu tăng cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa là doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng thấp (1,3%).

Quản lý nhà nước về tiền tệ - tín dụng

Để phục hồi sản xuất và đời sống, Nhà nước đã đưa ra gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong 2 năm, trong đó có gói 40.000 tỷ cấp bù lãi suất. Tín dụng theo định hướng năm 2022 sẽ tăng 14%. Tín dụng tăng một mặt sẽ góp phần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tăng tốc độ sản xuất - kinh doanh, nhưng cũng sẽ có hiệu ứng phụ là lạm phát tăng, quy mô tuyệt đối tín dụng tăng, tỷ lệ nợ xấu không tăng, thậm chí có thể giảm, nhưng nợ xấu tuyệt đối sẽ tăng.

Nợ xấu sẽ tăng nếu dòng chảy tín dụng gặp 4 trạng thái: chảy vào những doanh nghiệp không những không trả được nợ cũ, lãi cũ mà còn tiếp tục bị mất lãi, thậm chí còn bị mất vốn; bị “lái” vào các kênh “rủi ro” như tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… ; bị “bẻ quặt” vào sân sau của những nhóm lợi ích, sở hữu chéo…; Nghị quyết số 42/2017/QH14 sắp hết hiệu lực và mức độ pháp lý thấp hơn Luật Xử lý nợ xấu.

Do vậy, một mặt cần khẩn trương ban hành Luật Xử lý nợ xấu để vừa bảo đảm mức độ cao của pháp luật, vừa bảo toàn tính liên tục của các giải pháp xử lý nợ xấu mạnh. Trong lúc chờ đợi, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp vẫn hữu dụng mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đề ra.

Tác giả: Minh Nhung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến