Nợ xấu vẫn đeo bám, nhiều ngân hàng 'mất ăn mất ngủ'
25/11/2015 15:33:32
Kết quả kinh doanh quý III của một số ngân hàng mặc dù đã sáng sủa hơn cùng kỳ nhưng nợ xấu vẫn tiếp tục là gánh nặng, kéo tụt lợi nhuận.

Tin liên quan

Lãi tăng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng

Kết quả kinh doanh 9 tháng của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) thể hiện, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.208 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền gửi và cho vay khách hàng tại Techcombank tăng lần lượt 4% và 17%, lên 136.630 tỷ đồng và 93.925 tỷ đồng. Cũng nhờ tăng mạnh cho vay, nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của Techcombank đã giảm từ 2,38% xuống 2,27%. Tuy nhiên, tính theo giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu của ngân hàng này vẫn tăng 11% so với đầu năm lên 2.133 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 6% lên 1.123 tỷ đồng.

Tổng tài sản ngân hàng tăng 5,4%

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm (và tăng 1,7% so với cuối tháng 8/2015). Trong đó, tài sản có của khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tăng 8,2%, đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng; Các NHTM cổ phần tăng 1,72% lên hơn 2,7 triệu tỷ đồng.

Tương tự như vậy, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), 9 tháng thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 11.016 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của ngân hàng tăng lần lượt 25% và 42% lên 1.394 tỷ và 1.529 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác của VCB cũng tăng nhẹ lên 1.013 tỷ đồng.

Tính đến 30/9, cho vay khách hàng tại VCB tăng 10,2% so với đầu năm lên mức 356.398 tỷ đồng, giúp tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ 2,31% xuống 2%. Tổng nợ xấu của ngân hàng cũng giảm 4% xuống còn 7.143 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng vẫn tăng 38% lên 4.938 tỷ đồng.

Cũng giống hai ngân hàng nói trên, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tăng 16% lên 44.365 tỷ đồng, giúp tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,49% xuống 2,34%. Mặc dù vậy, tổng nợ xấu của VIB vẫn tăng 9% lên 1.036 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh 54% lên 789 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về huy động, cho vay (tăng 13-14%). Nhờ vậy, thu nhập lãi thuần của STB đạt 1.908 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Song, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng từ 1,19% hồi đầu năm lên 1,61% vào cuối kỳ.

Đặc biệt, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nợ xấu tăng cả về quy mô (từ 2,54% lên 2,93%) lẫn giá trị nợ có khả năng mất vốn (cao gấp ba hồi đầu năm, lên hơn 1.560 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nằm trong số hiếm hoi các ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng, song nợ xấu giảm. Theo đó, tính đến 30/9, tổng nợ xấu của ACB giảm 22% xuống 1.974 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm 36% xuống 1.149 tỷ đồng; nợ xấu trên dư nợ cũng giảm từ 2.18% còn 1.51%.

Dù cố gắng tiết giảm nhưng chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank vẫn tăng cao - Ảnh: Trần Hải

Rủi ro về chất lượng tài sản

Điểm đáng chú ý trong kết quả hoạt động kỳ này của các ngân hàng là chi phí tăng mạnh, nhất là chi phí dự phòng rủi ro.

Trở lại với Techcombank, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các đơn vị tìm mọi cách cắt giảm chi phí thì chi phí hoạt động của ngân hàng vẫn tăng 11% lên 2.535 tỷ đồng. Cùng đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 78% so với 9 tháng đầu năm 2014 lên 2.787 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/9, Công ty VAMC đã mua 191 nghìn tỷ đồng nợ xấu của 39 tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 đã về mức 2,93% tổng dư nợ.

Tại Vietcombank, chi phí hoạt động còn tăng mạnh hơn: 28% so với cùng kỳ năm trước lên 5.952 tỷ đồng. Tương tự, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 34% lên 4.717 tỷ đồng.

Cùng với ACB, ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,73% xuống 1,72%. Mặc dù vậy, chi phí hoạt động trong kỳ của ngân hàng cũng tăng 4,5% lên 2.347 tỷ đồng; phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 14% lên 1.700 tỷ đồng.

Hay như VPBank, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm lên 2.450 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, tại Ngân hàng LienVietPostBank (LPB), mức dự phòng tăng vọt lên 404 tỷ đồng, cao gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước là 26 tỷ đồng... Theo đánh giá mới đây của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings, rủi ro về chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ở mức cao bất chấp các quy định mới nhằm điều chỉnh tiêu chuẩn phân loại nợ. Tỷ lệ phục hồi nợ xấu bán cho Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn còn thấp, cho thấy các ngân hàng có thể tiếp tục hứng chịu các khoản thất thoát tiềm tàng do không thể thu hồi toàn bộ các khoản nợ có vấn đề này.

Theo Báo Giao thông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến