Các doanh nghiệp mong muốn có Bộ tiêu chí mới để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp ngàn tỷ khổ vì 10 triệu đồng
Rất khó hình dung, một doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới 200.000 tỷ đồng lại đau đầu với khoản tiền 10 triệu đồng.
Hơn một tháng trước, khi đăng đàn nêu những vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Phó trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Vũ Phương Đông đã dành kha khá thời gian để kể về tình huống này.
“Do một vài sơ suất kỹ thuật, tính toán, chúng tôi nhận được giấy phạt vì chậm nộp thuế 10 triệu đồng. Vậy là doanh nghiệp bị xếp hạng B, cho dù các tiêu chí khác đều tốt”, ông Đông kể.
Trong quy định hiện hành về đánh giá tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, chỉ cần một “vết” trong tiêu chí chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, thì dù các tiêu chí đánh giá khác đều tốt, doanh nghiệp cũng bị xếp tụt hạng.
“Nếu doanh nghiệp tụt hạng, ngay lập tức, quỹ lương, thưởng trong năm sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp của EVN, hàng trăm ngàn cán bộ, công nhân viên sẽ chịu tác động”, ông Đông cho biết.
Tất nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp bị xếp hạng B, thì không thể được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đại diện Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) cũng tranh thủ kể tình huống tương tự của một doanh nghiệp thuộc Bộ. Chỉ vì chậm nộp một khoản thuế cách đây mấy năm do các con số sai lệch, nên dù các chỉ tiêu đánh giá hoạt động doanh nghiệp đều tốt, nhưng chủ sở hữu đành phải xếp doanh nghiệp loại B.
Thực tế, nỗi ám ảnh khi nhìn vào các tiêu chí xếp hạng A, B, C của doanh nghiệp nhà nước lớn hơn nhiều. Đặc biệt, đòi hỏi “trăm trận, trăm thắng” khi đánh giá hiệu quả vẫn luôn được các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nhắc đến như ví dụ điển hình của sự phi lý.
Doanh nghiệp nhà nước đang được đánh giá thế nào?
Hiện là thời điểm đánh giá, xếp loại doanh nghiệp nhà nước. Hàng năm, mỗi doanh nghiệp sẽ tự lập báo cáo đánh giá và tự phân loại năm trước liền kề theo các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại mà cơ quan đại diện chủ sở hữu đã giao trước ngày 30/4 của năm kế hoạch. Vào quý II, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phối hợp với Bộ Tài chính sẽ có ý kiến thẩm định để đánh giá lại kết quả đánh giá của từng doanh nghiệp nhà nước; đồng thời công bố kết quả phân loại doanh nghiệp. Các kết quả này sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7 hàng năm.
Thứ hạng được đánh giá trên các tiêu chí về doanh thu; lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu; nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn; chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác...
Tuy nhiên, khi đánh giá hệ thống tiêu chí này theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện, hệ thống tiêu chí đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhà nước quá tập trung vào các chỉ tiêu tài chính, hơn là khả năng lãnh đạo của người quản lý và kết quả quản lý chung. Do đó, Chính phủ khó xác định được các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc xác định người quản lý doanh nghiệp không có đủ năng lực ngay cả khi kết quả đánh giá cho thấy, các doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả.
Trong khi đó, báo cáo đánh giá do các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện và báo cáo cuối cùng do Bộ Tài chính tổng hợp đều dựa chủ yếu vào báo cáo tự đánh giá và xếp loại của các doanh nghiệp, không có một cơ quan độc lập tham gia quy trình này.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thừa nhận, việc phân loại không phản ánh chính xác thực trạng của doanh nghiệp nhà nước, vì vậy không đủ chất lượng cho các hoạt động giám sát doanh nghiệp nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến việc cảnh báo, phát hiện sớm sai phạm...
Trong khi đó, ở góc độ quản trị, cách thức, tiêu chí đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước lại không gắn với cơ chế tạo động lực cho người quản lý doanh nghiệp. “Theo tôi, sẽ phải bỏ cách xếp hạng A, B, C như hiện nay”, ông Tiến đề xuất.
Trong Tờ trình Chính phủ về Đề án Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình 2 phương án: Phương án 1: Bộ Tài chính sửa đổi các tiêu chí phù hợp hơn, gắn kết quả đánh giá với các chế độ khen thưởng, khuyến khích người quản lý doanh nghiệp. Chính phủ đang giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Phương án 2: Tiếp tục thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá như phương án 1, đồng thời xây dựng thí điểm bộ chỉ tiêu định tính và định lượng nhằm thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. |
Tác giả: Khánh An
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy