Dòng sự kiện:
Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017
04/02/2017 10:04:42
Chiều 03/02, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Tin liên quan

Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự phiên họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ: Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mở đầu phiên họp báo, nhân dịp đầu xuân mới Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chúc các nhà báo và gia đình, các cơ quan báo chí sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 03/02, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu và cũng là phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tiên trong năm 2017.

Phiên họp lần này, Chính phủ tập trung kiểm điểm tình hình dịp Tết Nguyên đán 2017; tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2017. Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng; dự thảo Nghị định hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2017.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh một số điểm sau đây:

Thứ nhất, về tình hình trong dịp Tết Nguyên đán, các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhìn chung, Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn; tạo không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng trên khắp cả nước.

Công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết được chỉ đạo sớm và khá đồng bộ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm, chúc Tết một số nơi và đi kiểm tra tình hình ứng trực tại một số địa bàn trọng điểm, làm việc với một số địa phương.

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, thiết thực (chuyển quà Tết đến hơn 2 triệu người có công với tổng số tiền 431 tỷ đồng; cấp phát trên 14.000 tấn gạo cứu đói cho gần 300.000 hộ; các địa phương đã trích ngân sách hơn 1000 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào nhân dịp Tết). Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử tốt đẹp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn (tổng số tiền ước tính 400 tỷ đồng).

Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông được tổ chức rộng khắp, phong phú, đáp ứng là “món ăn” tinh thần trong những ngày nghỉ Tết. Đây là năm đầu tiên không tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương nhưng có nhiều hoạt động lành mạnh 'bù đắp' tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; bệnh viện tổ chức trực 24/24; làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm.

Thị trường hàng hóa Tết khá phong phú, bảo đảm chất lượng với giá cả ổn định; hàng Việt chiếm tỷ trọng cao; công tác chống buôn lậu được triển khai mạnh mẽ. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, cung ứng tiền mặt trước, trong và sau Tết được bảo đảm.

Tình hình sản xuất kinh doanh được duy trì; các ngành dịch vụ, điện, nước, giao thông hoạt động ổn định, bảo đảm phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết. Nhiều địa phương đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để tổ chức sản xuất, canh tác theo mùa vụ, thậm chí ngay từ mùng 3, mùng 4 Tết..

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển được giữ vững; số vụ cháy nổ giảm mạnh; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm (số vụ phạm pháp hình sự giảm 7,63% so với cùng kỳ).

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao các bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm hẳn việc các địa phương về Thủ đô chúc Tết bộ, ngành Trung ương, tập trung phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm hơn.

Ngay từ những ngày đầu năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đồng chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, về tình hình KTXH tháng đầu tiên của năm 2017, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, nhìn chung, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định. Không có dịch bệnh xảy ra, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt trong nông nghiệp, một tín hiệu rất đáng chú ý trong tháng 1 và thời gian vừa qua là có nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, mở ra hướng đi mới, tạo khí thế mới, sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong ngày 02/02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng nhẹ (0,7%) do nghỉ Tết Nguyên đán năm nay chủ yếu trong tháng 01/2017. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2017 tăng khoảng 9,9%. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng tăng khá, đạt hơn 1 triệu lượt khách, tăng 12,3%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2017 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2017 ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 15,8%. Nhập siêu tháng 01/2017 khoảng 100 triệu USD, bằng 0,68% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù là tháng tết song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2017 tăng thấp 0,46%. Về tiền tệ, tín dụng: Mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản được giữ ổn định. Cung cầu ngoại tệ được đảm bảo, cơ chế tỉ giá trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm găm giữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá. Về đầu tư phát triển: Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện tháng 01/2017 ước đạt 850 triệu USD, tăng 6,3%. Đặc biệt trong tháng 01/2017, có gần 9.000 DN thành lập mới, tăng 8,1% về số DN và 52,3% về vốn đăng ký và gần 5.600 DN hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có gần 1.600 DN giải thể và 12.400 DN tạm ngừng hoạt động, cho thấy tình hình SXKD còn khó khăn. Thủ tướng cũng lưu ý trong chăn nuôi, đáng chú ý là giá thịt lợn hơi bị giảm mạnh (chỉ còn 24.000-27.000 đồng/kg, thấp nhất trong 10 năm qua khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng), trong khi giá thịt lại không giảm. Giá lúa cũng giảm, trong khi giá gạo không giảm. Như vậy, người trực tiếp chăn nuôi, trồng lúa bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những điểm cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những năm tới, nhất là về ùn tắc và tai nạn giao thông (trong 7 ngày Tết đã xảy ra 368 vụ, làm chết 203 người, bị thương 417 người - tăng 84 vụ, 21 người chết và 142 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái). Nạn đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, những địa phương làm quyết liệt thì những tệ nạn này giảm hẳn hoặc không xảy ra. Các địa phương còn để xảy ra tình trạng này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Kết luận về tình hình KTXH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua 10 tháng hoạt động, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã có được niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp. Phải nhân niềm tin đó lên hơn nữa bằng các hành động cụ thể, đặc biệt phải tiếp tục trong năm nay việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mạnh mẽ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Phải bắt tay ngay vào việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tình trạng quý I đủng đỉnh, không để tồn tại tinh thần “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, xử lý nghiêm các cơ quan dùng xe công đi hội. Thủ tướng đề nghị báo chí cùng kiểm tra, giám sát việc này, cũng như báo chí đã ủng hộ Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu địa phương không về Hà Nội chúc Tết.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn đột phá như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao cả về  chủ trương, nguồn vốn, mô hình, cơ chế, chính sách...  Trong những ngày tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị của Chính phủ về phát triển ngành nuôi tôm chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị triển khai tổ chức hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không để tiếp tục tình trạng cổ phần hóa nhưng tỉ lệ vốn Nhà nước bán ra ở mức thấp…

PV Phương Thảo (báo điện tử Dân trí): Tôi xin hỏi Người phát ngôn Chính phủ, ngay trước khi nghỉ tết, Chính phủ đã có quyết định kỷ luật nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hệ quả việc kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng thế nào? Các chế độ chính sách như tiền lương hưu với ông Hoàng có thay đổi gì không?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Ban Bí thư đã có quyết định kỷ luật nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2010-2015 trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước xử lý kỷ luật tương xứng với chỉ đạo của Ban Bí thư. Trong quá trình thực hiện chỉ đạo này, Ban cán sự đảng Chính phủ đã thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội. Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng. Toàn bộ chế độ, chính sách liên quan, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ và Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng về vấn đề này.

PV Phạm Thịnh (báo điện tử VTC News): Trước thời điểm Tết Nguyên đán, có một số trí thức, chuyên gia kinh tế đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây, không làm lỡ cơ hội giao thương các nước trên thế giới, giảm thiểu tiêu cực nảy sinh dịp Tết cổ truyền. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào, liệu có lộ trình gộp Tết ta vào Tết tây chưa?

Hiện nay, tháng Giêng có nhiều lễ hội trên cả nước, nhưng cũng xuất hiện tiêu cực, nhiều hành vi không được đẹp trong lễ hội. Chính phủ có biện pháp gì để giảm thiểu hình ảnh xấu, khiến báo chí, dư luận xã hội bức xúc trong thời gian qua?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Về một số ý kiến ghép Tết tây với Tết âm lịch, đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, hiện Thủ tướng chưa nhận được báo cáo chính thức của cơ quan nào.

Nước ta có Tết cổ truyền dân tộc, ngày nghỉ được ghi trong Luật Lao động, trong đó được nghỉ Tết Dương lịch, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Quốc khánh 2/9, Tết cổ truyền… Tết cổ truyền là truyền thống văn hoá, nét đẹp của Việt Nam, đi vào tiềm thức, chúng ta phải giữ. Chưa cơ quan quản lý Nhà nước nào đặt vấn đề như phóng viên nêu. Đây là suy nghĩ cá nhân của một số chuyên gia nên ta chưa thảo luận, Chính phủ hiện cũng không đặt vấn đề gì cả.

Đầu năm, các địa phương đều có lễ hội truyền thống dân gian. Sáng nay, VPCP qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, các lễ hội tại các địa phương diễn ra khá tốt, bảo đảm quy chế, quy định của Nhà nước và địa phương, giữ được thuần phong mỹ tục của địa phương, vùng miền rất tốt.

Tuy nhiên, ngày mùng 5 Tết, tại đền Gióng có hiện tượng cướp lộc, chen lấn xô đẩy, hành động phản cảm, không tốt, thiếu văn hoá. Bí thư thành uỷ TP. Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo chung rút kinh nghiệm cho Thành phố. Sáng nay, Thủ tướng cũng nhắc nhở yêu cầu Bộ VHTT&DL, các địa phương tăng cường giám sát chỉ đạo chặt chẽ lễ hội đầu năm, tránh việc lặp lại như đền Gióng ở Hà Nội.

PV Thu Hằng (báo điện tử Vietnamet): Tôi xin hỏi về kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ liên quan tới việc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã bổ nhiệm 44/46 cán bộ làm lãnh đạo. Vừa rồi, Bộ Nội vụ có kết luận rằng những việc làm của Sở này là phù hợp với quy định, các cán bộ được bộ nhiệm làm lãnh đạo đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Điều này khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, đã có ý kiến đề nghị xem xét lại kết luận này. Xin được hỏi Chính phủ có ý kiến thế nào về kết luận này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Thủ tướng có giao cho Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra việc đề bạt, bổ nhiệm công chức tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Chúng ta cũng biết, chính việc này do báo chí phát hiện ra, 1 sở có 46 cán bộ thì đã đề bạt từ phó phòng trở lên 44 cán bộ, như vậy chỉ còn có 2 nhân viên thôi. Sau khi thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ có báo cáo với Thủ tướng xem xét vấn đề điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm số cán bộ đó; Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng đã có chỉ đạo Sở. Trong số 44 cán bộ, đã có 7 cán bộ xin rút bổ nhiệm chức vụ phó phòng. Trong quá trình bổ nhiệm cán bộ, có những sai sót, có những trường hợp chưa đủ điều kiện cán bộ, công chức hành chính nhưng vẫn bổ nhiệm. Vấn đề về tiêu chuẩn như báo chí nêu là hoàn toàn đúng. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu công khai kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ với báo chí và người dân, đồng thời chỉ đạo rút kinh nghiệm chung, tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng và ngay cả vấn đề tuyển dụng.

PV Hữu Hòe (báo Đầu tư-Chứng khoán): Năm nay Chính phủ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, trong đó trọng tâm là tăng tỉ lệ vốn Nhà nước bán ra thay vì hầu hết cổ phần hóa chỉ về “vỏ”, còn về “chất” là tỉ lệ Nhà nước nắm còn rất cao sau khi cổ phần hóa. Xin cho biết Chính phủ có các giải pháp cụ thể và biện pháp mới, mạnh nào để mục tiêu đó trở thành hiện thực?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Chủ trương cổ phần hóa DNNN năm nay khác với mọi năm ở chỗ tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là phải quyết liệt cổ phần hóa. Hiện nay số DN cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%, như vậy là hoàn toàn tỉ lệ ngược với số DN được cổ phần hóa. Từ tinh thần đấy, về nguyên tắc sau khi DN cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu DN cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, DNNN.

Thứ hai, trên tinh thần chỉ đạo những DNNN cần nắm giữ phần vốn Nhà nước, những DN chủ đạo của nền kinh tế, những DN thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Nhà nước phải nắm phần vốn để chỉ đạo thì còn lại những DN không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư. Tinh thần là đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực trong vấn đề cổ phần hóa DNNN.

Thủ tướng đã thành lập một Ban Chỉ đạo và trực tiếp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo việc này. Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ đều bàn, đưa ra vấn đề tiến độ cổ phần hóa, bán cổ phần vốn của Nhà nước nắm giữ.

PV Lê Kiên (báo Tuổi trẻ TPHCM): Thứ nhất, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ có đánh giá việc các tỉnh về Hà Nội chúc Tết giảm 70% so năm trước. Thông tin này tôi đọc trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. Xin Người phát ngôn của Chính phủ cho biết là căn cứ nào để đưa ra đánh giá này? Xin hỏi riêng Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn là Tết vừa qua ông ăn Tết ở đâu, và ông có được cấp dưới đến chúc Tết, tặng quà không?

Nội dung thứ hai xin được hỏi là Thủ tướng đã thúc giục các bộ, ngành, địa phương và các cấp chính quyền phải bắt tay ngay vào công việc, không để tình trạng tháng Giêng là tháng ăn chơi, xin Người phát ngôn cho biết là Chính phủ có biện pháp nào để tình trạng đủng đỉnh, lơ là công việc sau dịp Tết không diễn ra?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Cũng như các bạn thôi, theo đúng quy định của pháp luật, Tết được nghỉ bao nhiêu ngày thì tôi nghỉ bấy nhiêu ngày. Tết nào tôi cũng về quê ăn Tết cùng gia đình, chưa bao giờ ăn Tết ở Hà Nội. Tôi cho rằng Tết sum vầy gia đình là Tết đầm ấm nhất, vì chúng ta đã đi xa nhà, xa gia đình cả năm rồi. Do đó ai cũng thế thôi, đều mong ngóng mấy ngày Tết để về sum vầy cùng ông bà, gia đình.

Ở đây có rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cục của Bộ TT&TT, và tôi có thể khẳng định Tết này tôi không nhận bất cứ món quà nào, của bất kỳ một ai đem tặng. Tôi thực hiện rất nghiêm quy định của Đảng, Chính phủ. Nhiều lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí có đặt vấn đề đến chúc Tết nhưng tôi không tiếp. Tôi cũng yêu cầu bảo vệ là không tiếp khách dịp Tết, yêu cầu không cho ai lên chúc Tết lãnh đạo Bộ. Bộ TT&TT cũng đã có một chỉ thị là yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, tất cả các cục, đơn vị đều phải thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đúng là tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có nói các địa phương, các bộ, ngành thực hiện khá tốt chỉ thị của Ban Bí thư và của Thủ tướng. Vậy đưa ra con số 70% này, cơ sở ở đâu? Có thể nói chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện một Chính phủ hành động, quyết liệt, nói là làm. Thủ tướng đã ký chỉ thị, các cơ quan đều ra yêu cầu bắt buộc không tiếp khách đến chúc Tết. Ở VPCP, trước khi tôi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ), tôi đã ký một công văn yêu cầu không được chúc tết, tặng quà cho lãnh đạo VPCP, lãnh đạo vụ, cục của cơ quan VPCP. Tại sao lại như vậy? Việc cấm chúc Tết, tặng quà không phải năm nay mới có, chúng ta đưa ra mấy năm nay rồi nhưng không thực hiện được. Do đó, chúng ta phải công khai như thế để anh em cấp dưới dễ thực hiện. Nếu Bộ trưởng, Chủ nhiệm không ký, để cho một Phó Chủ nhiệm hay Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký thì sẽ khác hoàn toàn. Ngay Thủ tướng sáng nay cũng nói là có người nói với Thủ tướng, năm nay nhân dân đón Tết rất tốt, vui tươi phấn khởi, an ninh trật tự được bảo đảm, số người lên Hà Nội chúc Tết giảm hẳn so với mọi năm.

Có thể 70% là tỉ lệ ước lượng, có thể hơn 70%, cũng có thể xấp xỉ, nhưng tôi khẳng định, ngay tại VPCP, không có địa phương nào lên chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, VPCP. Các đồng chí cứ kiểm nghiệm, nếu có chúng tôi sẽ nhận khuyết điểm ngay. Nếu như ở nơi này, nơi khác còn việc lên chúc Tết thì chúng ta sẽ tập trung xử lý để thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày mùng 6 đi làm và ngay trong ngày, Thủ tướng đã ký Chỉ thị, yêu cầu 7 vấn đề. Thứ nhất là triển khai ngay Nghị quyết 01 của Chính phủ, triển khai ngay các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện bằng được những mục tiêu đã đề ra. Thứ hai là nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng xe công, giờ làm việc để làm việc riêng, tham dự lễ hội. Đặc biệt là phải bắt tay ngay vào làm việc ngay từ giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu của năm mới, sau kỳ nghỉ Tết.

Với tinh thần như thế, các bộ, ngành, địa phương hoạt động trở lại bình thường. Tại các doanh nghiệp, mọi năm còn có hiện tượng đi chậm, đi muộn, không đến làm việc, nhưng năm nay qua báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chúng ta rất mừng là các doanh nghiệp đều cho biết lao động trở lại đi làm bình thường. Người dân xuống đồng từ mùng 3, mùng 4, và Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cũng đã bắt tay làm việc ngay.

PV Vũ Hạnh (báo điện tử VOV): Xin được hỏi Bộ GTVT về việc trong những ngày trước Tết và trong Tết vừa qua, một số tuyến thu phí như Pháp Vân-Cầu Giẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Tuy nhiên, các đơn vị thu phí không tiến hành mở lối cho xe qua để giải tỏa ách tắc. Tại sao Bộ GTVT không chỉ đạo việc này?

Liên quan đến việc Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính năm 2015 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Theo đó, suốt 16 năm, từ năm 2001 đến nay, các khoản lãi phát sinh hằng tháng của những tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm tính và hạch toán đầy đủ, tức là không trả lãi cho các tài khoản này. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vietcombank bù đắp lại cho khách hàng. Xin Ngân hàng Nhà nước cho biết sự bù đắp này sẽ được tính toán thế nào và quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo vệ ra sao?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Trong Nghị định  xử phạt hành chính có quy định với các trạm thu phí, trong quá trình thu phí nếu ách tắc chiều dài trên 200 m và trên 10 phút sẽ bị xử phạt và mức xử phạt có thể lên tới 70 triệu đồng. Đối với tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, mật độ đi lại rất lớn, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tích cực mở rộng thêm 6 làn xe, dự kiến cuối năm 2017 sẽ mở rộng thêm 6 làn xe.

Về các trạm thu phí, chúng tôi áp dụng thu phí tự động, trước mắt đang áp dụng với vé tháng, vé quý nên đi qua không phải dừng.

Thêm nữa, chúng tôi đang mở rộng tối đa số làn, hiện nay tại trạm Pháp Vân là 18 làn và khi một bên tắc, một bên không tắc có thể điều chuyển các làn để cơ bản giải quyết ùn tắc.

Trong quá trình chúng tôi phối hợp cùng Bộ Công an thì chưa đến mức phải phạt. Trên thực tế trong những ngày Tết vừa rồi, chúng tôi theo dõi qua vệ tinh đặt tại trụ sở Bộ Công an thì thời gian ùn tắc rất ngắn, chỉ một lần khi có vụ tai nạn xảy ra nhưng đã xử lý kịp thời nên chưa đến mức xử phạt, chưa thể bắt họ dừng thu phí. Bộ GTVT làm rất chặt việc này, đặc biệt là trong thời gian nghỉ Tết vừa qua.

Vừa rồi chúng tôi cũng bỏ trạm Đại Xuyên để xe chạy thông thoáng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Câu hỏi của phóng viên liên quan trực tiếp đến báo cáo hoạt động của Kiểm toán Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Về quy định hệ thống làm tròn số đối với những khoản trả lãi phát sinh, vừa rồi tôi trao đổi nhanh với Chủ tịch Vietcombank và được cho biết trên cơ sở kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị về việc hệ thống cần phải theo dõi những khoản trả lãi nhỏ mà tự động làm tròn này. Từ 2015, Vietcombank đã thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và theo Chủ tịch Vietcombank thì Ngân hàng này đang chuẩn bị có trả lời chi tiết về vấn đề này, sẽ sớm trả lời báo chí. Xin cảm ơn!

PV báo Vietnam Investment Review: Ngày 18/1, Bộ Tài chính đã có Công văn 848 về chính sách thuế và quản lý thuế hoạt động kinh doanh và đặt phòng trực tuyến. Theo đó, một số công ty đặt phòng trực tuyến nằm ở nước ngoài như Agoda, Booking… sẽ bị đánh thuế. Mức thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 5% trên tổng doanh thu. Tôi xin hỏi: Có phải việc ra đời công văn này có nghĩa là từ trước đến nay những công ty này đã trốn thuế tại Việt Nam? Câu hỏi thứ hai là trong công văn này không có chế tài nào cả, nếu những doanh nghiệp này bị áp thuế nhưng họ từ chối nộp thuế thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Đối với quản lý thuế liên quan đến hoạt động dịch vụ kinh doanh đặt phòng trực tuyến, Bộ Tài chính đã có Công văn số 848 ngày 18/1/2017 hướng dẫn cụ thể các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung quản lý dịch vụ này. Phóng viên hỏi rằng trước khi ra đời công văn này đã thu hay là chưa thu, như vậy có bị thất thu thuế của Nhà nước hay không? Bộ Tài chính xin được trả lời rằng Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định rõ đối tượng chịu thuế. Đối với những nhà thầu có thu nhập phát sinh từ Việt Nam phải nộp thuế nhà thầu. Đó là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Công văn 848 này là công văn hướng dẫn nội bộ cơ quan thuế, yêu cầu rà soát quản lý đối với hoạt động này khi có một số kiến nghị của các công ty du lịch và phản ánh trên báo chí đã nêu. Đây là một biện pháp quản lý và yêu cầu các cơ quan thuế rà soát để kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn.

Câu hỏi thứ hai của phóng viên là nếu hướng dẫn theo Luật Thuế giá trị gia tăng là 5%, trong công văn này có hướng dẫn là nếu như các cơ sở không thực hiện theo luật thuế khấu trừ (đầu ra trừ đầu vào) thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần doanh thu trừ chi phí thì nộp thuế theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu. Theo luật, thuế giá trị gia tăng là 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 5%. Chế tài nào yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp? Vì các doanh nghiệp này có văn phòng tại Việt Nam nhưng không hiện diện tại Việt Nam mà tại nước ngoài, vậy thì có cách nào quản lý và có chế tài nào? Bộ Tài chính xin trả lời rằng với quản lý thuế thì Luật Quản lý thuế đã quy định cũng như trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, đối với cơ sở lưu trú tại Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài thì cơ sở lưu trú tại Việt Nam phải có trách nhiệm khấu trừ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp và nộp thay cho tổ chức, cá nhân tại nước ngoài. Nếu như trường hợp không nộp thì bản thân cơ sở này phải chịu trách nhiệm, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Chế tài đã quy định đầy đủ và rõ ràng trong quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thấy rằng thương mại điện tử là vấn đề hết sức mới, do đó Bộ chỉ đạo cơ quan thuế tiếp tục nghiên cứu để làm sao bao quát hết những vấn đề phát sinh mới để quản lý một cách chặt chẽ nhất.

PV Phương Nhung (báo Người Lao động): Trước kỳ nghỉ Tết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kỷ luật các cá nhân liên quan đến sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Theo đó đã cách chức 1 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và 1 trưởng phòng, 2 phó phòng bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo. Tuy nhiên, quyết định không nêu rõ tên. Tôi muốn hỏi lý do vì sao không nêu và đến giờ đã nêu rõ tên được chưa?

Câu hỏi thứ hai là Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số 80 cho các doanh nghiệp. Vậy với những trường hợp lạm dụng cấp biển số xe cho doanh nghiệp thì sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Vì đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường không có mặt tại cuộc họp báo nên Bộ sẽ có công văn trả lời trực tiếp cho báo Người Lao động.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành: Sau khi có báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số ô tô 80A, 80B... cho các doanh nghiệp (các loại hình). Thực hiện vấn đề này thì hiện nay, văn bản chưa về Bộ Công an nhưng Bộ đã chủ động triển khai, đã giao cho Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an Thừa Thiên-Huế rà soát việc sử dụng những xe biển 80A, 80B. Căn cứ theo quy định, việc xử lý sau này sẽ thông báo lại cho các nhà báo biết.

PV Văn Kiên (báo Tiền phong): Vừa qua thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa, nhưng nhiều địa phương vẫn bắn pháo hoa, pháo nổ. Quan điểm của Chính phủ xử lý các vụ việc ở địa phương thế nào? Việc xử lý người được giao quản lý địa bàn trong lực lượng công an để xảy ra đốt pháo ra sao?

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành: Nếu địa phương để xảy ra vi phạm, trách nhiệm thế nào, ở phường có công an khu vực, xã có công an xã, ngoài ra là trách nhiệm của Chủ tịch xã, phường. Các trường hợp cụ thể, nếu chỉ ra được, chắc chắn chúng tôi cũng xác định trách nhiệm của Giám đốc Công an các địa phương phải tham mưu cho Bí thư, Chủ tịch. Nếu xác định đúng phải xử lý theo quy định, không trừ trường hợp nào.

Theo Chinhphu.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến