Dòng sự kiện:
Nới lỏng chính sách tài khoá khơi thông không gian phát triển cho doanh nghiệp
24/07/2023 09:13:55
Tổng sản phẩm trong nước GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ tăng 3,72%, là mức tăng thấp so với cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu giảm 12%, kim ngạch nhập khẩu giảm 18% do nhu cầu từ các thị trường chính của nước ta đều giảm.

Dưới tác động không thuận từ thị trường thế giới như vậy, đòi hỏi phải khẩn trương có giải pháp bù đắp lại bằng cách nâng cao nội lực trong nước, thông qua cải cách thể chế kinh doanh - khơi thông không gian phát triển cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Chính phủ đã rất quyết liệt điều hành, chỉ đạo hạ lãi suất cho vay về ngưỡng 8%/năm và các giải pháp khoan sức dân như giảm thuế VAT 2%, giảm phí kiểm định phương tiện cơ giới, tăng lương… Nhưng cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, cần có thêm những giải pháp cụ thể về miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế phí, nới lỏng chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa để tạo tâm lý cho thị trường.

Chính phủ đã rất quyết liệt điều hành, chỉ đạo hạ lãi suất cho vay về ngưỡng 8%/năm và các giải pháp khoan sức dân như giảm thuế VAT 2%.

Trong bối cảnh thị trường đầu ra của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần có giải pháp mạnh tay trong ngắn hạn để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. 

"Chính sách tài khóa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng ngoài ra các phần như bảo hiểm xã hội, công đoàn… doanh nghiệp phải đóng hơn 30% cho các chi phí này là gánh nặng, làm doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động trong bối cảnh khó khăn. Do đó, trong ngắn hạn trước mắt, để giúp doanh nghiệp vượt khó, cần tính đến giãn hoãn, thậm chí cắt giảm các chi phí này" - ông Hoàng Văn Cường nói.

Bên cạnh việc hỗ trợ giảm chi phí trực tiếp này, cộng đồng doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng nhiều hơn vào việc Chính phủ hỗ trợ giảm chi phí gián tiếp cho doanh nghiệp. Đó là tăng cường cải cách thể chế kinh doanh, từ đó giảm cả chi phí và thời gian tiếp cận kinh doanh, để khơi thông không gian phát triển cho doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến: "Trong khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó. Do đó, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ Covid-19". 

Theo chuyên gia kinh tế, việc cải cách thể chế kinh doanh có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu thực tế, khó khăn của ngành bất động sản không chỉ do sức cầu của thị trường yếu, mà còn do vướng mắc khi triển khai dự án.

"Ví dụ như bất động sản, làm một dự án 4 chục con dấu, giỏi thì làm 2 năm rưỡi, kém thì cả chục năm. Mỗi tỉnh quan niệm đầu tư bất động sản một kiểu, có tỉnh thuận lợi có tỉnh khó. Vừa rồi Bộ Xây dựng cho biết trong năm nay sẽ ra quy chuẩn dự án đầu tư. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng làm được vậy thì các rào cản bớt đi, hành lang pháp lý thông thoáng hơn" - ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Chuyên gia kinh tế phân tích, việc thực hiện cải cách thể chế kinh doanh hiện nay đang đối mặt với 4 thách thức. Đó là cắt giảm chi phí tuân thủ từ những quy định hiện hành; 2 là lo lắng chi phí mới sẽ phát sinh từ quy định đang dự thảo và sẽ ban hành như định mức tái chế, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt…, ba là những chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí kinh doanh như thuế các – bon, và bốn là các nước trong khu vực đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ, tăng lợi thế cạnh tranh.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho biết: "Bộ Kế hoạch đầu tư có đề xuất cụ thể thành lập tổ công tác rà soát, giải quyết từng vấn đề cụ thể, có giải pháp giải quyết ngay và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".

Như vậy, kinh tế thế giới hiện nay đang ở trong thời điểm rất khó khăn, với sự bất định – bất an và bất ổn, đòi hỏi nội lực trong nước phải càng được nâng cao, môi trường kinh doanh càng phải được cải thiện để tăng sức khỏe cũng như sức đề kháng cho doanh nghiệp. Thực hiện cải cách thể chế kinh doanh vì thế ngày càng cần thiết và quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Có 3 điểm được nhấn mạnh trong công điện 644, là: không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế cũng gợi ý, để để triển khai hiệu quả công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ, trước hết cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Quan điểm là nếu thực sự chưa cấp bách thì không tiếp tục ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định mới để đáp ứng thời điểm, ví dụ như theo cam kết quốc tế, thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khoẻ và chuẩn bị phương án tuân thủ.

Theo đó, cải cách thể chế kinh doanh được triển khai hiệu quả, thiết thực, quyết liệt trong ngắn hạn, liên tục trong dài hạn, mới khơi thông không gian phát triển cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tác giả: Trung Hiếu

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến