Dòng sự kiện:
Nới lỏng tiền tệ và bài toán phân bổ dòng tiền
27/12/2017 07:35:41
Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam vừa được WB công bố tuần qua nhận định, với bối cảnh áp lực lạm phát thấp, các cấp có thẩm quyền chủ động nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành

Nhân thời điểm lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng tiền tệ vào đầu tháng 7 bằng cách giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 25 điểm phần trăm xuống còn lần lượt 4,25% và 6,25% - lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên sau 3 năm.

Chính sách tiền tệ thuận lợi được WB cho là đã góp phần tạo điều kiện thanh khoản dồi dào trong khu vực ngân hàng, khiến cho lãi suất liên ngân hàng giảm chỉ còn chưa đến 1%/năm - thấp hơn khá nhiều so với mức lãi suất chính sách thấp nhất từ trước đến nay.

Cũng theo WB, tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao, tương đương khoảng 18,5% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 10/2017, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành, cho dù tăng trưởng tín dụng có thể do thu nhập tăng cao, làm tăng nhu cầu về nhà ở và đầu tư cho năng lực sản xuất.

Mặc dù vậy, WB cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở mức cao, nhất là tăng theo các chỉ tiêu hành chính, có thể khuyến khích các hoạt động cho vay rủi ro quá mức và phân bổ tín dụng thiếu hợp lý, từ đó làm suy giảm chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hàm lượng tín dụng đóng góp trong tăng trưởng đang tăng lên, nghĩa là cần nhiều tín dụng hơn để tạo ra cùng một đơn vị sản lượng tăng thêm.

“Tuy đã giảm bớt phần nào, nhưng rủi ro trong khu vực ngân hàng vẫn còn đó do các yếu tố như tỷ lệ an toàn vốn tương đối mỏng, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao…”, WB nhấn mạnh.

Cơ cấu cho vay đang thay đổi

Một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng ANZ cho thấy, từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ tăng của nợ xấu tỷ lệ thuận với tăng trưởng tín dụng.

“Nếu như cuối năm 2014, nợ xấu đạt mức 130.000 tỷ đồng thì đến giữa năm 2015, số này đã tăng lên 160.000 tỷ đồng, tương ứng tín dụng tăng từ mức hơn 14% lên 19%. Hay như đến cuối năm 2015, nợ xấu giảm xuống còn 120.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm cuối năm 2017 đã tăng trở lại, đạt 150.000 tỷ đồng.

Tương ứng với đó, sau khi giảm vào cuối năm 2015, tín dụng đã tăng nhanh trở lại trong năm 2016 và đến giữa năm 2017, tăng trưởng tín dụng đã chạm mức 20% so với cùng kỳ 2016”, nghiên cứu của ANZ nêu rõ.

Điều đáng chú ý là trong khi cho vay lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp ở mức rất thấp, thì đóng góp vào tăng trưởng tín dụng của Việt Nam chủ yếu là lĩnh vực khác, có khi chiếm gần 40% tổng dư nợ tín dụng trong giai đoạn 2015-2016.

Theo ANZ, đến năm 2017, cơ cấu tín dụng ngành ngân hàng có điều chỉnh lại, dư nợ cho vay công nghiệp và thương mại tăng mạnh, nhưng cho vay nông nghiệp lại chưa có biến chuyển.

Nhận định của ANZ cũng khá tương đồng với quan điểm của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đó là cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến. Cụ thể, Ủy ban cho biết, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 8,1%; vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng đạt khoảng 15,5% (năm 2016 từ 17,1%). Trong đó, cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8% (năm 2016 là 7,0%), vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%).

Tuy vậy, cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.

Phân bổ đồng đều tăng trưởng

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017, Nhóm Công tác ngân hàng (BWG) đã có kiến nghị liên quan đến chính sách tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nước ngoài. Theo BWG, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và đánh giá tình hình tài chính lành mạnh, an toàn, hiệu quả của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tính đến đặc thù của các ngân hàng nước ngoài khi phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cụ thể: Một số ngân hàng nước ngoài có quy mô nhỏ và hoạt động lành mạnh được phân bổ ở mức cao hơn tổ chức tín dụng khác (tăng trưởng tín dụng bằng 1 lần vốn điều lệ/vốn được cấp, hoặc 2 lần vốn điều lệ/vốn được cấp); một số ngân hàng nước ngoài hoạt động tốt, quy mô nhỏ, có khả năng mở rộng tín dụng trong năm và có xu hướng tín dụng giảm trong tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng nước ngoài này xây dựng kế hoạch và kiểm soát tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2017 (Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khác kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong suốt cả năm).

Theo Tin nhanh chứng khoán
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến