Dòng sự kiện:
Nỗi niềm gia đình liệt sĩ mòn mỏi chờ đợi chế độ chính sách suốt 13 năm
21/05/2018 20:49:13
Đã 51 năm trôi qua từ lúc ông Nguyễn Phi Lý ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, 13 năm được Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công thế nhưng gia đình ông vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách dành cho người có công.

Nỗi niềm chờ đợi của gia đình liệt sĩ

Anh Nguyễn Phi Ngụ cho hay, ngày 26/6/1967, bố anh là ông Nguyễn Phi Lý, sinh năm 1928, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà được UBND xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) giao nhiệm vụ đi chặt lá để ngụy trang cho trận địa pháo cao xạ Cầu Đông (Hà Tĩnh) kết hợp với gánh vôi về cho hợp tác xã. Trên đường về, ông bị máy bay Mỹ ném bom và hi sinh.

Hồ sơ của liệt sỹ Nguyễn Phi Lý được xác lập năm 2004 và đã được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công. Điều đáng nói, từ ngày ông Nguyễn Phi Lý được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công đến nay đã 13 trôi qua nhưng bản thân liệt sĩ Nguyễn Phi Lý vẫn chưa được làm lễ truy điệu. Thân nhân gia đình liệt sĩ cũng chưa nhận được hưởng bất cứ một chế độ, chính sách nào đối với người có công với cách mạng. Suốt 13 năm qua, gia đình liệt sĩ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng liên quan nhưng vẫn vô vọng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh (69 tuổi, con gái ông Nguyễn Phi Lý), cho rằng việc bố mình tham gia gánh lá ngụy trang cho trận địa pháo cao xạ đánh Mỹ và gánh vôi phục vụ cho việc tăng gia sản xuất của hậu phương là theo sự điều động của cấp trên.

“Bố tôi đã ngã xuống lúc thực hiện nhiệm vụ và đã được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công nhưng đến nay gia đình vẫn chưa được làm lễ truy điệu và hưởng các chế độ theo quy định. Tôi khẩn cầu các cơ quan có trách nhiệm hãy nhìn nhận đúng sự thật và hãy hành động sớm để giải quyết các chế độ theo quy định cho gia đình tôi, bà Thanh nói trong nghẹn ngào.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng xác nhận, ông Nguyễn Phi Lý được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công (ngày 25/7/2005), đến nay đã 13 năm trôi qua nhưng bản thân liệt sỹ Nguyễn Phi Lý vẫn chưa được làm lễ truy điệu. Ngoài ra, thân nhân gia đình liệt sỹ cũng chưa nhận được bất cứ chế độ, chính sách nào đối với người có công với cách mạng.

Cần xử lý vai trò, trách nhiệm những người có liên quan

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, việc ông Nguyễn Phi Lý được lãnh đạo tiền nhiệm của UBND xã này điều động gánh lá ngụy trang phục vụ cho trận địa pháo cao xạ Cầu Đông đánh giặc Mỹ và sau đó gánh vôi về cho hợp tác xã sản xuất, đảm bảo lương thực cho tiền tuyến đánh giặc là có thật. “Điều này có sự xác nhận bằng văn bản và có nhiều đồng đội của ông Lý chứng kiến, có đơn thư xác nhận cụ thể”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc “ách tắc”, chưa thể làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Phi Lý được hưởng các chế độ chính sách là vì lúc các cơ quan chức năng về địa phương để xác nhận hồ sơ thì một số người dân phường Thạch Linh (nay là Phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi ông Lý hi sinh) lại cho rằng ông Lý ngã xuống trong lúc gánh vôi cho hợp tác xã Thạch Xuân chứ không phải lúc gánh lá ngụy trang phục vụ cho trận địa pháo cao xạ hoặc gánh vôi về cho hợp tác xã sản xuất, đảm bảo lương thực cho tiền tuyến đánh giặc.

“Lúc cơ quan chức năng về xác nhận hồ sơ thì gặp phải khó khăn đó. Nhưng theo tôi dù ông Lý hi sinh trong tình huống công việc gì đi nữa, thì thực tế là ông ấy đang thực thi nhiệm vụ do cấp trên giao, mục đích là hỗ trợ, phục vụ cho công cuộc đánh Mỹ cứu nước. Vì vậy cần phải ghi nhận sự hi sinh cao cả đó”, ông Hà nói.

Cuộc đối thoại giữa các cơ quan ban ngành với gia đình ông Nguyễn Phi Lý

Trước đó, ngày 15/12/2017, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chủ trì cuộc tiếp công dân định kỳ, cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan để giải quyết vụ việc liên quan đến liệt sỹ Nguyễn Phi Lý.

Tại buổi tiếp dân, gia đình liệt sỹ Nguyễn Phi Lý đã trình bày về việc người thân của mình đã được công nhận liệt sỹ, Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công nhưng đến nay vẫn chưa được làm lễ truy điệu và hưởng các chế độ theo quy định.

Tại đây, đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương Hà Tĩnh và những người có liên quan đã phát biểu, đưa ra quan điểm về trường hợp ông Nguyễn Phi Lý. Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất việc ông Nguyễn Phi Lý hi sinh trong khi phục vụ chiến đấu và việc công nhận, truy điệu liệt sỹ là có cơ sở.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc này, ông Lê Đình Sơn cho rằng: Việc tồn đọng đã rất nhiều năm như vậy nhưng vẫn chưa được giải quyết là lỗi của các cấp chính quyền, cần xem xét và xử lý vai trò, trách nhiệm những người có liên quan. Việc xác lập hồ sơ liệt sỹ cơ bản là đúng nhưng vẫn còn ý kiến hoài nghi vì quá trình làm chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, chưa tuyên truyền tốt cho nhân dân để tạo sự đồng thuận từ cơ sở.

Do vậy để giải quyết dứt điểm vụ việc, ông Sơn chỉ đạo, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh, soát xét hồ sơ chính xác, khách quan, đầy đủ căn cứ pháp lý, chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan thẩm tra, xác minh làm rõ, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.

“Phải giải quyết dứt điểm để trả lời cho gia đình và người dân biết ông Nguyễn Phi Lý có được công nhận liệt sỹ hay không và nếu đúng là hy sinh khi đang phục vụ chiến đấu thì phải thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trước Tết Nguyên đán năm 2017”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay đã hơn 5 tháng tháng trôi qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã “phớt lờ” chỉ đạo của ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc khiến thân nhân liệt sỹ Nguyễn Phi Lý rất bất bình và thiệt thòi.

Thúy Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến