Tin liên quan
Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Hoàng Văn Thu cho biết, theo kế hoạch sắp xếp đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp (DN). Năm 2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 DN, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó, cổ phần hóa 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013.
Như vậy, kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 DN (chưa kể số DN sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại DN mới theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014).
Tính đến hết quý I/2015, 29 DN (3 Tổng công ty nhà nước và 26 DN) được phê duyệt phương án cổ phần hóa, như vậy mới hoàn thành được 10% kế hoạch. 260 DN còn lại đều đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó, 207 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 81 DN đã có quyết định công bố giá trị DN.
Theo ông Thu, thời gian cổ phần hóa của năm nay không còn nhiều trong khi số lượng doanh nghiệp còn lại nhiều, nhưng khó khăn nhất để thực hiện CPH, thoái vốn là phần lớn đều là cổ phần của các công ty mẹ trong các tập đoàn kinh tế. Do đó, tính chất CPH khá phức tạp.
Ảnh minh hoạ.
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó vụ trưởng Vụ quản lý phát hành (UBCKNN) thì cảnh báo, số lượng các DN sắp sửa thoái trong năm 2015 rất nhiều, mức độ phức tạp cao, trong bối cảnh nguồn vốn trên thị trường không dồi dào nên chính bản thân các DN khi tiến hành CPH cũng phải cạnh tranh rất nhiều.
"Nếu doanh nghiệp công bố thông tin chậm, khối lượng công bố thông tin không nhiều sẽ khó thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, từ đó dẫn đến khả năng tỷ lệ phát hành thành công sẽ không cao" - Ông Hải nhấn mạnh.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, khả năng hoàn thành kế hoạch trên trước hết phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường vốn. Để thị trường chứng khoán tăng vững cần có sự tham gia tích cực của cả dòng tiền ngoại và dòng tiền trong nước.
Tuy nhiên, dòng tiền trong nước chảy vào thị trường khó tăng mạnh khi hoạt động ký quỹ khó tăng mạnh như trước khi Thông tư 36 có hiệu lực.
"Do đó, cần có các chính sách thu hút dòng tiền ngoại vào thị trường, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh; nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối" - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia gợi ý.
Bên cạnh đó, để thị trường vốn hoạt động hiệu quả hơn, việc tiếp tục cải cách thủ tục, tăng cường minh bạch, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp uy tín là cần thiết.
Tỷ lệ hữu ngân hàng 30% - vẫn là phép thử lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư
Ở một khía cạnh khác, cũng theo thống kê của Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tung ra hơn 22.000 tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành (chủ yếu "đổ" vào vào chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng). Trong năm nay (2015) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải hoàn tất việc thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực ngân hàng xét trong bối cảnh hiện nay nhiều chuyên gia tài chính đã cho rằng để thị trường "hấp thụ" hết số lượng cổ phần thoái vốn cũng như số cổ phần do các ngân hàng phát hành thêm để tăng vốn điều lệ thì có lẽ cần thêm sự tham gia của các đối tác là nhà đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn như, năm nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) phải hoàn thành việc thoái 20% vốn điều lệ tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Tập đoàn Xăng dầu phải hoàn thành thoái vốn tại ngân hàng TMCP PGBank, Tập đoàn VNPT phải thoái vốn khỏi ngân hàng Maritimebank…
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Keith Pogson - Lãnh đạo cấp cao về dịch vụ tài chính ngân hàng của hãng kiểm toán Ernst & Young (EY) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến thị trường Việt Nam và có sự quan tâm nhất định. Song tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại bị khống chế ở mức 30% với ngân hàng cũng là một trở ngại khiến các nhà đầu tư này chưa quyết định tham gia mạnh mẽ hơn.
"Tôi cho rằng, Việt Nam cần xem xét thêm về quy định tổng mức sở hữu của khối ngoại hiện vẫn không được vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng Việt Nam. Bởi vì để các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào Việt Nam cũng muốn nắm quyền kiểm soát tại các ngân hàng này"- Ông Keith Pogson nói.
Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng giám đốc của EY Việt Nam thì quy định về sở hữu như vậy gần như là phép thử của lòng kiên nhẫn, bởi các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ mong muốn có thể hòa hợp hơn, truyền được nhiều kinh nghiệm quản trị kinh doanh hơn. Và thực tế cho thấy nhiều trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp nhiều ngân hàng thay đổi toàn diện.
Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu 30% cũng là một rào cản khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy bị cản trở khi tham gia điều hành, quản trị tại ngân hàng.
"Họ - những nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chờ đợi để sở hữu nhiều hơn với mong muốn cùng đồng hành vượt khó và đưa ngân hàng phát triển"- Bà Dương nói.
Nên đọc
Theo Trí Thức Trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy