Không lâu sau khi thông tin Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay cho các ngân hàng có đề nghị, công việc của anh Văn Huy (31 tuổi, nhân viên tín dụng ngân hàng tại Hà Nội) cũng bận rộn hơn khi các hợp đồng vay vốn mua nhà và ôtô bị dồn từ tháng 7 đến nay đã bắt đầu được giải ngân.
Chi nhánh ưu tiên các hồ sơ đã làm xong thủ tục chỉ chờ giải ngân và vẫn phải lựa chọn khách hàng có hồ sơ tốt từ cao đến thấp.
“Room tín dụng đợt này chỉ được cấp thêm chỉ cỡ 1,2%, là mức rất nhỏ so với nhu cầu vay thực tế đang nằm chờ tại ngân hàng, chưa nói tới các nhu cầu vay đăng ký mới. Nhìn chung thời điểm này việc giải ngân cũng chỉ khá hơn 2 tháng trước chứ chưa trở lại như bình thường”, anh Huy cho biết.
"Room" tín dụng đã được NHNN phân bổ thêm cho 15 ngân hàng từ ngày 7/9. Ảnh: Hoàng Hà.
“Room” cấp mới vẫn thiếu
Về phía khách hàng, kế toán trưởng một công ty xuất nhập khẩu đồ nội thất tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết tin vui khi vừa được ngân hàng giải ngân cho vay 9 tỷ đồng sau hơn một tháng chờ đợi.
Tuy nhiên, đây là hồ sơ vay công ty đã gửi lên từ tháng 7, trong khi hồ sơ vay mới gửi lên từ cuối tháng 8 vẫn trong trạng thái chờ.
“Công ty đã kẹt vốn từ tháng 7, khi gửi hồ sơ sang ngân hàng thì nhân viên tín dụng báo hết room, đành phải đi vay nóng khắp nơi. Đợt này được ngân hàng giải ngân 9 tỷ đồng cũng chỉ đủ bù vào những chỗ đã vay tháng trước. Trong khi hồ sơ mới gửi từ cuối tháng 8 lại phải chờ thêm, chưa biết khi nào vay được”, bà nói.
Khi được hỏi tại sao không tìm tới các ngân hàng khác còn “room” để vay, người này cho biết vay ngân hàng thương mại tư nhân lãi suất sẽ cao hơn khá nhiều.
Bên cạnh đó, việc khiến doanh nghiệp ngại nhất là phải thẩm định hồ sơ vay từ đầu. “Tôi từng đi vay ngân hàng khác, nhọc lắm, đang quen vay một bên họ nắm hết lịch sử tín dụng mà còn phải chờ như vậy, sang ngân hàng mới không biết hồ sơ vay có được duyệt không chứ chưa nói tới việc nhận được tiền”, người này chia sẻ.
Dù NHNN đã ra thông báo phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại từ 7/9, thực tế chỉ 15 nhà băng có đề nghị và có tình hình tài chính lành mạnh theo đánh giá của cơ quan quản lý tiền tệ mới được cấp thêm “room”. Bên cạnh đó, mức phân bổ mới này cũng chỉ nằm trong hạn mức tăng trưởng kế hoạch cả năm nay là 14%.
Điều này khiến “room” tín dụng cấp mới tại các nhà băng chỉ dao động trong khoảng 1-4%, tương đương với khoản hạn mức cho vay ròng thêm chỉ từ vài nghìn tỷ cho đến vài chục nghìn tỷ đồng.
Theo thông tin Zing có được, trong đợt phân bổ “room” vừa qua, Sacombank là nhà băng được điều chỉnh cao nhất với 4%, nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm nay lên 11%. Với dư nợ cho vay hơn 400.000 tỷ đồng, hạn mức tín dụng cấp thêm cũng chỉ tương đương trên 16.000 tỷ.
Tương tự, các ngân hàng như HDBank, VIB, Agribank, SHB, OCB, MBBank được cấp thêm khoảng 3-3,5%; Vietcombank được cấp thêm 2,7%, trong khi các ngân hàng BIDV, VietinBank, VPBank, TPBank… mức cấp thêm chỉ trên dưới 1%.
Không đủ nhu cầu khách hàng
Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cho biết “room” tín dụng cấp thêm đợt này chỉ đạt gần 3%, chắc chắn không đủ đáp ứng hết nhu cầu vốn của khách hàng.
Theo đó, gần 3% “room” tăng thêm với ngân hàng này chỉ tương đương khoảng 32.000-33.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, phân bổ trong 4 tháng cuối năm. “Mức tín dụng này chắc chắn không đủ”, ông nói.
Tuy vậy, vị lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận việc được phân bổ thêm hạn mức tín dụng thời điểm này là cần thiết và rất kịp thời với nền kinh tế, vì thực tế nhiều hồ sơ vay của khách hàng đã phải chờ từ tháng 7.
Với hạn mức tín dụng cấp thêm, vị này cho biết ngân hàng sẽ ưu tiên giải ngân với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Trong khi đó, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, kinh doanh bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp sẽ được kiểm soát.
Hạn mức tín dụng tăng thêm sẽ ưu tiên cho vay với các doanh nghiệp sản xuất và nhóm lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Ảnh: Chí Hùng.
Tương tự, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng sẽ ưu tiên “room” tín dụng với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Với lĩnh vực bất động sản, Sacombank vẫn hạn chế cho vay hoặc chỉ thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Theo các chuyên gia, “room” tín dụng được cấp mới sẽ phần nào giải tỏa được cơn khát vốn cho doanh nghiệp, nhưng chắc chắn không đáp ứng hết nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đây là bài toán mà quốc gia nào cũng phải cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, không riêng Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế hay ổn định vĩ mô
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng phải nhìn nhận thực tế NHNN chưa nới “room” tín dụng, đợt công bố vừa rồi chỉ sử dụng nốt phần còn lại của kế hoạch 14%.
“Giá cả hai tháng gần đây đã dịu xuống nhờ giá xăng dầu và giá thịt lợn, tuy nhiên tình hình thế giới còn rất phức tạp. Chúng ta đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô được 8-9 tháng rồi, việc cần thiết hiện nay là giữ vững đến hết năm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nước ngoài dùng từ đánh đổi tăng trưởng để kiểm soát lạm phát, nhưng Việt Nam thì không dùng đánh đổi mà chúng ta muốn kiểm soát đa mục tiêu và thực tế chúng ta đang làm rất tốt TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia |
Bình luận, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng việc nới room tín dụng chắc chắn sẽ bổ sung thêm "oxy" cho nền kinh tế. Tuy vậy, ông cho rằng về lâu dài vẫn cần sớm sửa Nghị định 153, quy định rõ hơn về điều kiện phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào kênh ngân hàng, mà có thể huy động vốn thông qua trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh.
Tương tự, TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 14% năm nay chắc chắn không đáp ứng hết nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Đây là điều cơ quan quản lý phải cân nhắc.
Theo vị chuyên gia, định hướng của Chính phủ, NHNN là đạt được cả hai hướng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Dù chưa hài lòng với mức tăng trưởng kinh tế hiện nay, thực tế không nhiều quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam năm nay. Trong khi đó, về tổng thể kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định, lạm phát chưa cao, lãi suất có tăng lên ở mặt huy động nhưng cho vay chỉ tăng thấp, tốc độ mất giá của Đồng Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác…
TS Võ Trí Thành cho rằng mọi năm NHNN có thể thoái mái nới “room” tín dụng trong những tháng cuối năm, nhưng năm nay thì khó để thực hiện. “Thách thức, áp lực phía trước còn rất lớn. Với tình hình Việt Nam, nếu nhất quyết chọn lạm phát hay tăng trưởng kinh tế thì rất khó cho bên còn lại”, ông Thành nhấn mạnh.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy