Quyết định "nới room" tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại để bơm thêm ra thị trường khoảng 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.
"Đây là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản", TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá.
Ông nhấn mạnh việc nới "room" tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và tái phát triển.
Tín hiệu khả quan đối với thị trường
Trao đổi với Zing, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, đánh giá Ngân hàng Nhà nước không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, mà tăng cường kiểm tra giám sát, không buông lỏng quản lý.
"Nghĩa là sẽ cấp room tín dụng có chọn lọc đối với các dự án khả thi, từ chủ đầu tư uy tín, phát triển bền vững, phục vụ cho nguồn cầu mua để ở... mang lại lợi ích kinh tế thì vẫn được xem xét cấp tín dụng", bà nói.
Theo bà, việc siết tín dụng bất động sản thời gian qua đã gây ảnh hưởng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của cả người mua, doanh nghiệp và chủ đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm số lượng giao dịch trên thị trường.
Cấp room tín dụng có chọn lọc đối với các dự án khả thi, từ chủ đầu tư uy tín, phát triển bền vững, phục vụ cho nguồn cầu mua để ở Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam |
"Quyết định nới room tín dụng là tín hiệu khả quan đối với thị trường bất động sản, hỗ trợ nguồn cầu và cả nguồn cung. Hoạt động xây dựng và mở bán của các dự án bất động sản theo đó sẽ nhộn nhịp hơn", Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam dự đoán.
Trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM có 16.412 căn hộ chào bán mới và Hà Nội có 8.165 căn. Dự tính trong quý III và IV, TP.HCM sẽ có khoảng 6.000 căn mở bán thêm và Hà Nội là 12.000 căn.
"Dự đoán tình hình thị trường sẽ khởi sắc hơn với số căn bán được xấp xỉ số căn chào bán mới. Tại TP.HCM, vấn đề pháp lý tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường. Giá bán tiếp tục xu hướng tăng trung bình 5-10% mỗi năm, tuỳ vị trí", bà Dung nói thêm.
Từ một góc nhìn khác, ông Sử Ngọc Khương đánh giá việc nới room tín dụng còn là cơ hội thu hút thêm FDI cho Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản.
"Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, siêu đô thị với hơn 10 triệu dân như TP.HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng. Thực tế, số vốn ngoại đầu tư trực tiếp giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong đó, riêng vốn FDI rót vào ngành kinh doanh bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký", ông Khương bình luận thêm.
Quyết định nới "room" tín dụng là tín hiệu khả quan đối với thị trường bất động sản, hỗ trợ nguồn cầu và cả nguồn cung. Ảnh: Quỳnh Danh.
Đề xuất nới room thêm 1-2%
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá việc nới room tín dụng tại một số ngân hàng với dư địa cho vay khiêm tốn nên khả năng dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản sẽ khó đạt mức kỳ vọng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định việc nới "room" tín dụng cũng sẽ có những tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, con số 450.000 tỷ đồng "không thấm tháp gì với thị trường bất động sản".
"Cần đưa dòng vốn vào các dự án có tính chất có ích cho xã hội, phù hợp nhu cầu sử dụng khai thác kinh doanh. Với các dự án sắp hoàn thành thì phải tạo điều kiện tiếp tục hoạt động để tạo lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế", ông nói.
Sẽ phù hợp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng 'room' tín dụng cả năm thêm 1-2% (từ mức mục tiêu 14% lên mức 15-16%). Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM. |
Theo lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, phải tạo thêm các kênh vốn khác cho thị trường bất động sản như quỹ đầu tư, quỹ ủy thác, quỹ tín thác... Hiện, trên thế giới đã làm rất nhiều, nhưng ở Việt Nam chưa thành hiện thực. Do đó cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động của các loại quỹ này ở thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng cho rằng sẽ phù hợp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng "room" tín dụng cả năm thêm 1-2% (từ mức mục tiêu 14% lên mức 15-16%) để có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.
"Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để xem xét nâng room tín dụng thêm 1-2% nữa do nước ta cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, xuất siêu và có dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD, được các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao", ông nhìn nhận.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng "room" tín dụng vừa được cấp tăng thêm không quá nhiều. Trong phần dư địa cho vay được tăng thêm mới đây, có khoảng 15-20% được giải ngân cho lĩnh vực bất động sản, nhất là 2 phân khúc là nhà ở và khu công nghiệp.
"Hiện nay dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 20,6% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, trong đó có 67% gắn với bất động sản nhà ở, 33% bất động sản kinh doanh và đầu tư", ông nói.
Theo chuyên gia, triển vọng dòng vốn vào địa ốc được khơi thông trong ngắn hạn là rất thấp. Ảnh: Quỳnh Danh.
Cần sớm mở lại kênh trái phiếu
Ông Cấn Văn Lực cho rằng người dân và doanh nghiệp phải đa dạng hóa nguồn vốn ngoài kênh tín dụng ngân hàng như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, đầu tư nước ngoài...
"Thời gian tới, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tùy từng phân khúc. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ cần thêm thời gian khi du lịch quốc tế mở cửa mạnh mẽ hơn còn phân khúc bất động sản nhà ở, khu công nghiệp sẽ bắt đầu phục hồi bởi khi đó dòng vốn tín dụng, huy động vốn từ trái phiếu, cổ phiếu được thuận lợi hơn", vị chuyên gia nhận định.
Theo ông, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch không nên trông chờ tín dụng ngân hàng vì rủi ro hơn phân khúc khác, pháp lý lại chưa tốt. Hơn nữa thông thường các nước khác, phân khúc bất động sản này được huy động vốn từ nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi, quy định chi tiết về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp có dự án tốt, hoặc tình hình tài chính minh bạch có thể dễ dàng huy động vốn từ kênh này. Ông nhấn mạnh đây là một vấn đề cấp thiết và cần Chính phủ quan tâm, giúp thị trường phát triển bền vững và ổn định.
Ông dẫn chứng thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp lớn đã huy động được lượng lớn vốn từ trái phiếu quốc tế. "Tuy nhiên, muốn làm được thì hồ sơ phải tốt. Còn nếu chỉ trông mong vào một nguồn vốn ngân hàng thì không thể đáp ứng được nhu cầu vốn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên mạnh dạn để huy động vốn từ các kênh khác ngoài kênh vốn từ các ngân hàng", ông Lực lưu ý.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy