Nới tỷ giá, có thật “đủ dư địa” cho cả… 2016?
19/08/2015 12:09:11
ANTT.VN – “Theo tôi, tuyên bố được phát đi đấy cũng chỉ là kỳ vọng của NHNN, mong muốn của NHNN”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV nhận định về tuyên bố tỷ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt đến tận... 2016 vừa được Ngân hàng Nhà nước phát đi.

Tin liên quan

TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV.

Sau nhiều đồn đoán, sáng hôm nay (19/8/2015), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã đưa ra quyết định hạ giá VND. Cụ thể, cơ quan này công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 19/8/2015 tăng thêm 1% từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Xung quanh động thái này, ANTT.VN đã có cuộc phỏng vấn với TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó TGĐ, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV.

"Cú" điều chỉnh quyết liệt

Ông đánh giá sao về quyết định điều chỉnh tỷ giá cũng như biên độ tỷ giá mà NHNN vừa đưa ra?

Rõ ràng chúng ta có thể thấy, quyết định này trước tiên là để phản ứng lại động thái phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ mà PBoC đã tiến hành trong tuần trước. Thêm đó là việc mất giá kéo theo của một số loại ngoại tệ khu vực sau sự kiện bất ngờ trên.

Việc hạ giá VND sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh này, đặc biệt là trước các nước như Thái Lan, Indonesia, Philipines. Bởi, qua quan sát của tôi thì trong thời gian qua, đồng nội tệ của các nước này đều đã mất giá.

Đồng thời, bước đi trên của NHNN cũng được hiểu là để sẵn sàng cho tình huống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất trong Quý IV năm nay.

Đương nhiên, cũng phải nhìn nhận “cú” điều chỉnh lần này của NHNN cũng là khá chủ động và quyết liệt khi đã tạo ra một “room” tỷ giá linh hoạt hơn rất nhiều.

Thế còn mức điều chỉnh, thưa ông? Tỷ giá tăng thêm 1% và biên độ giao dịch thì cũng được nới lên 3%, liệu rằng đã hợp lý?

Như tôi đã nói, trước mắt, việc điều chỉnh tăng tỷ giá 1% sẽ phần nào đảm bảo khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh đồng tiền của những nước trong khu vực đều đang mất giá (so với USD). Thêm nữa, hạ giá VND cũng sẽ giúp hạn chế con số nhập siêu trong thâm hụt cán cân thương mại của chúng ta với Trung Quốc.

Còn việc biên độ tỷ giá được nới lên 3% thì rõ ràng dư địa cho giao dịch ngoại tệ cũng đã được mở rộng. Tỷ giá giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng có thể lên, có thể xuống trong khoảng +/-3% này thay vì chỉ +/-1%, hay +/-2% như trước kia. Biên độ mới này thể hiện đã một mức độ linh hoạt cao hơn.

Dư địa đủ lớn đến... 2016: Mới chỉ là kỳ vọng

“Với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016” – NHNN đã tuyên bố như vậy. Ông đánh giá sao, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, đó là một tuyên bố mạnh mẽ. Tuy nhiên, nó còn phải phụ thuộc vào 3 yếu tố khác.

Thứ nhất là khả năng Trung Quốc có điều chỉnh tỷ giá tiếp hay không (?). Đó vẫn còn là một dấu hỏi dù rằng họ đã cam kết và đưa ra thông điệp là không điều chỉnh quá 10%. Nhưng tất nhiên họ vẫn có thể điều chỉnh nhỏ giọt. Một vài phần trăm hay một vài lần nữa chăng, chúng ta không biết được!

Thứ hai là việc Fed tăng lãi suất. Họ sẽ tăng nhưng cụ thể mức tăng là bao nhiêu, chúng ta cũng không thể lường đoán hết.

Thứ ba là còn phụ thuộc vào các nhân tố trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ như áp lực lạm phát, ví dụ như số liệu tăng trưởng, kim ngạch XNK, thương mại… Đây cũng là những nhân tố cần phải xem xét.

Cho nên, theo tôi, tuyên bố được phát đi đấy cũng chỉ là kỳ vọng của NHNN, mong muốn của NHNN. Chúng ta vẫn phải tiếp tục bám sát thị trường và cũng không ngoại trừ tình huống kịch bản có thể có những động thái chính sách mạnh mẽ hơn từ phía các đối tác rất quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Tăng tỷ giá USD/VND, có nghĩa, áp lực nợ công cũng tăng lên, thưa ông?

Tất nhiên là tăng lên song tôi nghĩ đó cũng không phải là một áp lực quá đáng kể. Bởi có 2 lý do chính:

Thứ nhất là mức độ mình điều chỉnh, nó cũng chỉ đâu đó mới là 1%, chưa phải là quá lớn.

Thứ hai là liên quan tới kỳ tình lãi của các khoản nợ công, thông thường, đó là những kỳ tương đối dài hạn, khoảng 6 tháng 1 lần. Giả sử các khoản nợ công đã được chốt cách đây 10 ngày thì lại phải đến 6 tháng nữa mới lại đến đợt điều chỉnh tiếp theo. Do đó, tất nhiên là có ảnh hưởng nhưng xét về tính kỳ hạn điều chỉnh lãi suất với các khoản vay ODA thì rõ ràng cũng không phải là tác động gì lớn lắm.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến