Nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: 1 mũi tên trúng 2 đích
24/11/2014 17:56:18
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kéo giảm lãi suất cho vay trung dài hạn.

Tin liên quan

TS. Trần Du Lịch.

Đồng tình với nhiều điểm điều chỉnh của NHNN trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa được ban hành, TS. Trần Du Lịch cho biết, việc NHNN cho phép các NHTM sẽ được sử dụng tối đa 60% vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn là bước đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay, "Tôi đã nhiều lần đề xuất nới tỷ lệ này", ông Lịch nói.

Sở dĩ như vậy, theo ông, hiện nay vốn huy động trung hạn của hệ thống ngân hàng chỉ chiếm khoảng 15% (tức kỳ hạn trên 1 năm) còn lại 85% nguồn vốn là huy động ngắn hạn. Nếu chúng ta được sử dụng có 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn là hơi thấp. Ví dụ, địa bàn TP.Hồ Chí Minh cho vay trung hạn khoảng 45% trong tổng dư nợ cho vay. Nếu bây giờ đẩy lên nữa, con số này vượt 50% và tối đa là 60% thì những DN làm ăn tốt, có nhu cầu vay trung dài hạn sẽ vay được vốn để sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần đẩy tăng tín dụng lên.

Ngoài ra, khi nới tỷ lệ này thì tự nhiên lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ dần giảm. Bởi về nguyên lý khi tăng cung từ vốn huy động ngắn hạn (có lãi suất thấp) để cho vay trung dài hạn cũng là điều kiện để giảm lãi suất. “Tôi hoan nghênh NHNN thực hiện giải pháp đó mà tôi nhiều lần đề nghị và điều đó là cần thiết. Như vậy, chúng ta sẽ giúp được các DN làm ăn tốt đầu tư tốt, tái cơ cấu hiệu quả”, ông Lịch khẳng định.

Giải tỏa băn khoản về việc đẩy quá cao việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm tăng rủi ro cho hệ thống, TS. Trần Du lịch cho rằng, nếu NHNN thực hiện tốt vai trò của ngân hàng mẹ, tức là thực hiện tốt chức năng người cho vay cuối cùng, thì việc nới tỷ lệ này trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn cho phép, nhất là về thanh khoản.

Về quy định mới của Thông tư 36 cho phép NHTM (có nợ xấu dưới 3%) được nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác, theo TS. Trần Du Lịch đây là giải pháp để giải quyết vấn đề sở hữu chéo do lịch sử để lại. Với chính sách này, thành công đầu đầu tiên là những ông chủ giấu mặt sẽ phải "lộ diện" để tạo sự lành mạnh.

“Tôi cho rằng, chúng ta áp dụng là đúng, nhưng nợ xấu phải là thực sự chính xác dưới 3%. Do đó, tôi mong NHNN phải có biện pháp để xác định cho chắc chắn rằng đã đúng tiêu chuẩn như vậy”, ông Lịch nói.

Theo thoibaonganhang.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến