Dòng sự kiện:
Ông Trần Du Lịch: Chớ đổ tiền ngân sách cứu nợ xấu!
23/10/2014 15:34:59
"Quan điểm của tôi là không dùng tiền ngân sách để "đổ" vào công ty này, bởi chúng ta còn cần tiền dành cho nhiều việc khác. Nếu muốn bơm vốn cho VAMC có thể dùng nhiều nguồn khác..."

Tin liên quan

ĐBQH Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM chia sẻ quan điểm với báo giới quanh câu chuyện nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, bên hành lang Quốc hội sáng 21/10. Theo ông, cứ kéo dài cách thức xử lý nợ như hiện nay, và ngành ngân hàng “đơn phương độc mã” trong giải quyết thì chiều hướng tăng của nợ xấu vẫn sẽ chưa dừng lại trong năm nay.

ĐBQH Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM

Liệu rằng tình hình nợ xấu có đang nguy cấp thực sự và có nguy cơ trở lại vạch xuất phát như trước khi chúng ta áp dụng các giải pháp loại bỏ nợ xấu cách đây hơn một năm, thưa ông?

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã "phát bệnh" 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tập trung một số giải pháp thuộc khả năng của mình để xử lý tối đa "cục máu đông" này, kết quả bước đầu chúng ta đã rõ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nhìn chung tình hình đòi hỏi cần có những giải pháp hỗ trợ lớn hơn từ Chính phủ, chứ không phải chỉ là việc riêng của ngành ngân hàng, của riêng các ngân hàng thương mại. Nợ xấu bản chất nó không có gì xấu, là chuyện bình thường của hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, song khi đã vượt qua khả năng giải quyết thì thành vấn đề của nền kinh tế vĩ mô.

Đơn cử, các ngân hàng dùng biện pháp trích lập dự phòng rủi ro bằng lợi nhuận. Những năm đầu lợi nhuận tốt nên ngân hàng trích lập tốt. Dần dần các nhà băng bị áp lực trích lập lớn quá thì ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà ngân hàng TMCP thì chịu áp lực của các cổ đông, cổ tức trong vấn đề cạnh tranh, giá trị cổ phiếu…  nên người ta giấu bớt nợ xấu đi. Vì thế dẫn tới sự chênh lệch trong đánh giá con số nợ xấu giữa ngân hàng TMCP, NHNN và các tổ chức độc lập.

Vậy, điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu nằm ở đâu, thưa ông?

Biện pháp đòi nợ và bán tài sản, như tôi đã nói, làm nghẽn toàn bộ thủ tục hành chính. Có ngân hàng cho biết họ phải mất 3-5 năm, thậm chí là 7 năm để đấu giá bán tài sản, trong thời gian đó giá trị tài sản đã giảm đi nhiều. Chưa kể nếu con nợ không hợp tác thì quá trình xử lý thủ tục rất nhiêu khê.

Đây là nghẽn và chính, nên dù ngân hàng có muốn bán tài sản phát mãi đó dưới giá được phần nào hay phần đó cho sạch bảng kế toán thì cũng không làm được.

Còn với cách giải quyết nợ của VAMC hiện nay, họ dùng cơ chế chứ không dùng tiền để xử lý nợ xấu. Mua nợ xấu từ ngân hàng nhưng VAMC vẫn đưa ra yêu cầu nhà băng phải trích lập dự phòng 20% khoản nợ trong vòng 5 năm thì các ngân hàng họ rất sợ, e dè không muốn bán nợ cho công ty này là vậy.

Ngoài ra, trái phiếu do VAMC phát hành có thể thế chấp để vay, nhưng tôi biết các ngân hàng ở TP. HCM chưa vay đồng nào vì tín dụng của họ chưa dùng hết nên không vay.

Có thể huy động một phần nguồn vốn từ Quỹ cổ phần hóa hiện do SCIC nắm giữ để xử lý nợ xấu

Gần đây có ý kiến đề xuất dành một phần ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu nhanh hơn. Quan điểm của ông vấn đề này ra sao ?

Ngay từ khi thành lập VAMC, quan điểm của tôi là không dùng tiền ngân sách để "đổ" vào công ty này, bởi chúng ta còn cần tiền dành cho nhiều việc khác. Nếu muốn bơm vốn cho VAMC có thể dùng nhiều nguồn khác, như quỹ cổ phần hóa chẳng hạn hiện đang do Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ.

Tại sao trong trường hợp cấp bách không mượn tạm một phần quỹ này, khoảng vài chục ngàn tỷ đồng, để đưa sang VAMC, giải quyết ngay bài toán nợ xấu ? Kinh nghiệm các nước họ đã làm và kết quả, là sau một thời gian đều thu hồi được vốn xử lý nợ xấu. Chứ trong tình trạng nước ra, kinh tế đang khó khăn, nợ công tăng nhanh, mà còn dùng ngân sách xử lý nợ xấu thì tôi e không phù hợp. Tôi muốn nói là Chính phủ chưa hết nguồn để xử lý nợ xấu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vừa bổ sung trình Chính phủ thì tới cuối tháng 8, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,9%. Với tình hình xử lý nợ như hiện nay, liệu nợ xấu còn có tăng, thưa ông ?

Nợ xấu còn tăng hay không tùy thuộc vào việc chúng ta xác lập tính toán nợ theo chuẩn mực nào. Nếu theo chuẩn quốc tế thì tôi cho là rất có thể nợ xấu sẽ tiếp tục phát sinh các khoản nợ tiếp theo. 

Vì thế, tôi cho rằng, tại kỳ họp này Quốc hội phải đưa ra một Nghị quyết về nợ xấu, để cả nền kinh tế chung tay, góp sức, chức chuyện xử lý nợ xấu không còn là chuyện riêng của ngành ngân hàng.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến