Dòng sự kiện:
Nông dân làm liều
05/04/2018 22:40:33
Ngồi trên chiếc xe máy cũ, trước một cái sân đầy dưa hấu, anh Tuấn sôi nổi khoe dưa đầu mùa được giá. Chỉ mới thu hoạch một phần ba diện tích, anh đã lãi 30 triệu đồng.

 Bức tranh trái ngược hoàn toàn với một năm trước. Khi ấy, Tuấn thẫn thờ bước giữa ruộng dưa ngổn ngang trái chín nhưng không thu hoạch vì "Trung Quốc không ăn". Anh mất sạch 35 triệu đồng tiền vốn. Những đồng nghiệp nữ của tôi đến giờ vẫn còn ấn tượng với bộ râu xồm xoàm của người đàn ông bỏ quên việc chăm sóc bản thân.

Xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh của anh Tuấn là một trong những vựa dưa lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Đất đai bạc màu, trồng lúa chỉ đủ gạo đong, trồng bắp thì không chịu nổi tiền điện tưới nước, những người nông dân đặt cược vào dưa hấu như canh bạc một ăn cả ngã về không.

Dù ba năm qua, dưa hấu liên tục "vỡ trận", diện tích trồng dưa của xã vẫn đạt 70 ha, tăng 20 ha so với năm ngoái. Những người như Tuấn là hình ảnh đại diện cho cách làm nông đã dẫn đến những thảm cảnh suốt những năm gần đây trên khắp đất nước. Việc mở rộng diện tích gần như không dựa trên một cơ sở hay dự báo nào. Nó hoàn toàn dựa vào cảm quan. Người nông dân Quảng Ngãi gọi đó là "làm lụi".

Người dân "làm lụi" vì không còn lối đi nào khác để trông vào. Họ làm lụi vì thấy được cơ hội thu được một số tiền lớn và nhắm mắt trước những rủi ro. Họ bước vào vụ mùa với tâm thế mong chờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Nhưng những yếu tố nào đang chi phối thị trường thì hoàn toàn mù mờ.

Hàng loạt cuộc giải cứu từ dưa hấu Quảng Ngãi, thanh long Bình Thuận hay mới đây là nghệ đỏ ở Nghệ An, củ cải ở Hà Nội chỉ là giải pháp "phủi nóng", giải quyết phần ngọn nếu tình trạng nhắm mắt gieo trồng theo kiểu đánh bạc còn tiếp diễn.

Nhà chức trách địa phương và lãnh đạo ngành nông nghiệp có một câu trả lời quen thuộc mỗi khi nông sản vỡ trận: Cây này nằm ngoài quy hoạch, ngoài đề án tái cơ cấu cây trồng, không khuyến khích mở rộng. Người nông dân thì gọi là “làm lụi” còn nhà chức trách gọi là “tự phát, ngoài quy hoạch”.

Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, ngoài góc độ khuyến cáo, câu trả lời này như một sự từ chối trách nhiệm định hướng sản xuất, gạt những người nông dân sản xuất tự phát ra bên lề. Nói cách khác, nhà chức trách "nhắm mắt" khi người nông dân vẫn ồ ạt trồng dưa, trồng ớt... như một canh bạc.

Dần dà, thị trường Trung Quốc trở thành một danh từ bí ẩn với người nông dân. Họ chỉ nhận được một trong hai đáp án: mua hoặc không mua. Việc thiếu hiểu biết về thị trường dẫn đến những thành kiến với thị trường Trung Quốc.

Nhưng hãy nhìn sang cách Myanmar, một quốc gia mới mở cửa chưa lâu, làm với thị trường Trung Quốc: Những năm qua, sản lượng xuất khẩu dưa hấu của Myamar qua cửa khẩu tỉnh Vân Nam liên tục tăng. Chỉ riêng việc xuất khẩu dưa cho Trung Quốc đã mang lại tới hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của nước này hàng năm.

Dưa hấu nhập khẩu từ Myanmar được tiêu thụ mạnh vào mùa Đông và mùa Xuân, khi dưa hấu nội địa Trung Quốc đang trái vụ. Ngoài ra, giá thành sản xuất là một lợi thế khác khi dưa hấu trái vụ ở Trung Quốc phải sản xuất trong nhà kính với chi phí nhân công cao.

Người nông dân chỉ có thể “làm lụi” - cách dùng phương ngữ của “làm liều” - chứ không thể “làm thị trường”. Điều đó phải được thực hiện bởi những chuyên gia, nhà quản lý có trình độ và điều kiện tiếp cận với cơ quan nước bạn.

Sau nhiều năm dưa hấu vỡ trận, dân trồng dưa ở Quảng Ngãi mới thấy một tia sáng khi Bộ Công thương đưa đối tác sang Trung Quốc sang tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về thị trường.

Các đối tác Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với một số hợp tác xã trồng dưa. Nhưng đến nay, bản ghi nhớ này vẫn chỉ tồn tại như một lời hứa mà nông dân ví von là "như nhà trai sang thăm nhà gái". Dân vẫn lo. "Mong sao cho giá cả ổn định, chứ như năm ngoái là công cốc", anh Tuấn sốt ruột. Trúng giá rồi, nhưng anh còn 2/3 diện tích chưa thu hoạch. Và nỗi ám ảnh trồi sụt vẫn chưa thể nguôi sau một cử chỉ “mai mối” đơn giản của Bộ Công thương.

Người nông dân, dù trồng dưa hấu hay củ cải, không mong chờ những cuộc giải cứu. Họ chỉ không muốn phải vừa nhắm mắt vừa gieo hạt. Và có những người có thể giúp họ thực hiện điều đó. Những cơ quan có văn phòng ở Trung Quốc, ở Mỹ, ở Australia. Những cơ quan có thể giúp họ “làm thị trường” chứ không phải “làm lụi”.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến